Chủ nhật, 11/08/2024, 14:24[GMT+7]

Đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện

Thứ 6, 18/04/2014 | 08:29:21
779 lượt xem
Bảo vệ chăm sóc người khuyết tật và trẻ mồ côi để họ hòa nhập cuộc sống cộng đồng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và cũng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp hội trong tỉnh, nó có ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế - chính trị - xã hội và nhân văn.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật tại Hội thi Tay nghề giỏi người khuyết tật tỉnh Thái Bình lần thứ III năm 2014. Ảnh: Ngọc Linh

Pháp lệnh về người tàn tật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 1998. Điều 31 của pháp lệnh này có ghi ngày 18/4 hàng năm được lấy làm Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật.

Luật Người khuyết tật (NKT) được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011, thay thế Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998. Điều 11 của Luật NKT có ghi: Ngày 18/4 hàng năm là Ngày NKT Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ngày 18/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống mang đậm ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, ngày mà mỗi người chúng ta tự hào về những gì đã làm được để chia sẻ, cảm thông với những nỗi đau mất mát của người khuyết tật và trẻ mồ côi (TMC).

Nhân dịp kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam 18/4 năm nay, chúng ta có điều kiện nhìn nhận, đánh giá các hoạt động bảo trợ NKT - TMC ở tỉnh nhà thời gian qua, một lĩnh vực mà cả xã hội quan tâm và cũng là dịp để tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua làm việc thiện, tất cả “Vì người khuyết tật và trẻ mồ côi”.

Một trong những hoạt động tiêu biểu đó là Hội thi tay nghề giỏi người khuyết tật tỉnh lần thứ III gắn với kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội (29/3/1994 - 29/3/2014). Đây là một sinh hoạt chính trị lớn của các cấp hội trong tỉnh, đã tổng kết khá đầy đủ các hoạt động cũng như các số liệu cụ thể để trợ giúp cho NKT - TMC ở tỉnh nhà.

Kết quả hoạt động của Hội đã được Trung ương Hội Bảo trợ NTT - TMC Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao với 526 lượt tập thể, cá nhân được Chính phủ, Hội Bảo trợ NTT - TMC Việt Nam, Bộ Lao động - TBXH, UBND tỉnh tặng bằng khen, kỷ niệm chương vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo trợ NKT - TMC ở tỉnh nhà thời gian qua.

Tuy còn nhiều khó khăn do tật nguyền, hoàn cảnh, đời sống, việc làm cũng như điều kiện khác, song được sự quan tâm của Trung ương Hội, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội cộng với tinh thần tự lực của mình, nhiều người khuyết tật đã vượt lên số phận tự khẳng định mình trong đời sống xã hội. Nhiều người không chịu “an bài” với số phận nghiệt ngã đã vươn lên trong sản xuất kinh doanh. Sản phẩm của họ làm ra không thua kém với sản phẩm cùng loại của những lao động bình thường khác. Nhiều người từ cuộc sống khó khăn nay đã có cuộc sống khá giả, trong đó không ít người đã trở thành những chủ doanh nghiệp sở hữu số vốn hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

Bảo vệ chăm sóc NKT - TMC để họ hòa nhập cuộc sống cộng đồng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và cũng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp hội trong tỉnh, nó có ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế - chính trị - xã hội và nhân văn.

Nhân kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam 18/4 năm nay, Hội Bảo trợ NKT - TMC tỉnh rất mong được sự quan tâm hơn nữa của Hội bảo trợ NTT - TMC Việt Nam, của tỉnh, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất để giúp NKT - TMC ở tỉnh nhà có điều kiện được chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, trẻ mồ côi được cắp sách tới trường như các bạn cùng trang lứa, góp phần vào việc phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh nhà.

Mai Xuân Trường
(Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT - TMC tỉnh)

  • Từ khóa