Thứ 5, 10/10/2024, 03:15[GMT+7]

Nỗi lo từ thức ăn đường phố

Thứ 3, 22/04/2014 | 09:15:44
1,602 lượt xem
Tiện và rẻ là những lý do chính mà lâu nay nhiều người dân lựa chọn mua thức ăn đường phố. Tuy nhiên việc sử dụng những loại thức ăn đường phố bày bán tràn lan, chưa được kiểm soát chặt chẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

5 giờ chiều, các quán ăn tại nhiều tuyến phố như: Minh Khai, Trần Thánh Tông, Kỳ Bá, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Ðạo, Quang Trung, Bồ Xuyên… (Thành phố Thái Bình) hoạt động nhộn nhịp. Thực phẩm bày bán cũng rất đa dạng như: xôi, mỳ, bún, bánh các loại, chè, bánh, đồ ăn chế biến sẵn… Cùng với đó, các quán bia hơi, giải khát, cơm bình dân khách ra vào cũng tấp nập. Tại một cửa hàng bán trà sữa trân châu trên đường Kỳ Bá, học sinh ngồi chật kín, thưởng thức những ly trà sữa với đủ loại màu sắc cùng đĩa nem chua rán và ít khoai tây chiên.

Qua khảo sát tại các quán bún, cơm bình dân xung quanh một số bệnh viện, trường học, nhà máy và chợ trên địa bàn Thành phố Thái Bình, điều dễ nhận thấy nhất là các loại thức ăn chế biến sẵn bày bán không được che đậy, người bán hàng dùng tay không chế biến, bốc thức ăn rồi thu tiền của khách. Các vật dụng chế biến dính đầy cáu bẩn, bát đĩa rửa qua loa tại các thùng nước được dùng lại nhiều lần mắt thường cũng thấy không bảo đảm vệ sinh. Nhưng có điều lạ là: khách hàng vẫn vô tư vào ăn uống mà không quan tâm, để ý đến nguồn gốc hay chất lượng thực phẩm.

Tháng 1/2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30 quy định rất rõ về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố như: cơ sở vật chất, trang thiết bị chế biến, thời gian bảo quản thức ăn, điều kiện vệ sinh môi trường; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu; người kinh doanh, chế biến phải được khám sức khỏe định kỳ, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe…

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có hàng nghìn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, nếu đối chiếu theo quy định của Thông tư 30 thì một tỷ lệ lớn các cơ sở đều không đủ điều kiện kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ quầy bán hàng ăn tại chợ Quang Trung (Thành phố Thái Bình) phân trần: “Nếu chấp hành đúng quy định của Nhà nước về kinh doanh thì rất khó nhưng đã buôn bán thì phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ uy tín và giữ khách lâu dài chứ”.

Theo ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế: chỉ riêng năm 2013 các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra 22.360 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, kết quả 1.772 cơ sở vi phạm các điều kiện kinh doanh thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ðoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện cũng đã kiểm tra, phát hiện thu giữ và tiêu hủy nhiều loại thực phẩm: 1.090 kg thịt trâu, thịt mèo, bẹ sữa lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, 1.040 kg cá mực khô nhập lậu và 2,8 tấn da lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch; 963,6 kg đuôi bò, xúc xích, bắp bò thơm cay, cá chép đỏ và 10 sản phẩm bánh Trung thu bị mốc hỏng; 12kg nguyên liệu đạm đậu tương, 29 hộp xúc xích hết hạn sử dụng, 12 hộp mứt sen không rõ nguồn gốc, 422 kg mỳ chính giả, 96 chai rượu Men - Vodka có hàm lượng Andehyt gấp 7,32 lần quy chuẩn; 410 kg nầm lợn có xuất xứ từ Trung Quốc  và 3.200 kg lòng lợn đã biến chất, 16.000 quả trứng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Nếu những sản phẩm này không bị lực lượng chức năng thu giữ, có ai dám bảo đảm nó sẽ không được đưa đến các cơ sở chế biến thức ăn và bán cho người tiêu dùng.

Thức ăn đường phố nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh.

Cũng trong năm 2013, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế) đã lấy mẫu giám sát để thử test nhanh và xét nghiệm một số nhóm thực phẩm chế biến sẵn trên địa bàn tỉnh cho thấy: 9,31% mẫu giò chả có chứa hàn the, 0,95% mẫu thịt quay sử dụng phẩm màu độc hại, 62,7% mẫu dầu mỡ sử dụng tại các cơ sở chế biến thực phẩm bị ôi khét không bảo đảm an toàn thực phẩm, 85,7% mẫu ô mai có phát hiện nấm mốc…

Ðầu tháng 4 vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phát động Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014 với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, ban chỉ đạo các cấp, các địa phương sẽ tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác, lương tâm, trách nhiệm của chính chủ cơ sở chế biến đối với sức khỏe cộng đồng. Mỗi người dân cần thực hiện tốt việc ăn chín, uống nước đun sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không ăn những thức ăn như: rau sống, tiết canh, gỏi cá, các loại thực phẩm mới nhúng tái; lựa chọn những cửa hàng ăn sạch sẽ, thoáng mát, bảo đảm vệ sinh và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh tật, bảo vệ sức khỏe.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa