60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ Ðiện Biên: Ngày ấy – Bây giờ
Việt Nam - Ðiện Biên Phủ - Hồ Chí Minh, cụm từ quen thuộc ấy luôn được thế giới ngưỡng mộ cũng bởi lẽ không đơn thuần là mỗi người dân Việt Nam, mà bạn bè yêu chuộng hòa bình, trong sâu thẳm trái tim luôn in đậm ký ức hào hùng của trận quyết chiến chiến lược 56 ngày đêm “máu trộn bùn non”, nhưng “gan không núng, chí không mòn”. 60 năm đã qua, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt ngày ấy, giờ đây vẫn đang nối tiếp trang sử vàng truyền thống của ông cha, xây dựng Ðiện Biên vững mạnh trong thời kỳ đổi mới.
Mốc vàng lịch sử dân tộc
Ngày 19/12/1946, với Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Từ Chiến dịch Việt Bắc Thu - Ðông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới năm 1950, quân ta càng đánh càng mạnh, càng thắng, làm thất bại hoàn toàn chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch, đẩy chúng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng.
Ðể cứu vãn tình thế, bước vào Thu - Ðông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Ðông Dương.
Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Ðông - Xuân. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Ðông Dương. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Ðiện Biên Phủ - cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào.
Ðể xây dựng Ðiện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương địch đã cho tập trung ở đây 21 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh và công binh với 16.200 quân, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Ðông Dương; hệ thống hỏa lực mặt đất khá mạnh với 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 đại đội pháo 155mm, 1 đại đội súng cối 120mm; hai sân bay với gần 100 lượt máy bay lên, xuống mỗi ngày, có thể vận chuyển 200 - 300 tấn hàng và thả dù 100 - 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến. Với sự tập trung huy động này, Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Ðông Dương - tướng Nava tự tin tuyên bố tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ là một “Véc - đoong thứ hai ở Viễn đông, một pháo đài bất khả xâm phạm, một cái máy nghiền sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của Việt Nam”.
Phút giải lao giữa hai trận đánh.
Trước âm mưu, thủ đoạn và sự hiếu chiến của địch, sau khi phân tích cục diện chiến trường Ðông Dương, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ, cử Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh kiêm Bí thư Ðảng ủy chiến dịch. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, các đơn vị chủ lực đã nhanh chóng đến địa điểm tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, trên khắp các chiến trường, từ miền Trung Nam Bộ và Nam Bộ đến Bình Trị Thiên - Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ, quân dân cả nước đã không quản gian khổ, hy sinh, tích cực tham gia chi viện sức người, sức của thực hiện quyết tâm tiêu dịch địch ở Ðiện Biên Phủ.
Nắm vững tư tưởng của Ðảng, của Bác Hồ, Ðảng ủy mặt trận đã quyết định đúng đắn chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Việc thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới đã chuẩn bị chiến đấu theo phương án cũ, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu chờ giờ nổ súng, như Ðại tướng Võ Nguyên Giáp nói “là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của tôi”.
Quyết định đã khó khăn, để thực hiện được quyết định ấy càng khó khăn hơn, nhưng với tinh thần quả cảm, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách, bao vây đánh dần từng bước, tiêu diệt địch từng bộ phận, tập trung binh lực, hỏa lực tạo sức mạnh áp đảo giành thế toàn thắng.
17 giờ ngày 13/3/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ngay trong đợt tiến công thứ nhất (13 - 17/3), quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Ðộc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Bất lực trước pháo binh của ta, Tư lệnh Pháo binh Pháp, Trung tá Sác - lơ Pi - rốt, đã phải dùng lựu đạn tự sát.
Ngày 30/3, ta mở đợt tiến công thứ hai, đồng loạt đánh vào các cứ điểm phía Ðông phân khu trung tâm, chia cắt, thắt chặt vòng vây, hạn chế tiếp viện của địch. Trận địa tiến công của quân ta với hàng trăm ki lô mét chiến hào ngang dọc như dây thòng lọng thắt chặt vào cổ quân thù. Những trận đánh lớn, bắn tỉa lúc đó thực sự là “địa ngục trần gian” với quân địch.
Cụm tượng đài Kéo pháo vào Ðiện Biên tại xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên. Ảnh: AP
Mặc dù đây là đợt tấn công dai đẳng, dài ngày nhất (30/3 - 30/4), quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào, song sau đợt tấn công thứ 2 này, khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ đã nằm gọn trong tầm bắn của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Trên đà quyết chiến, quyết thắng, ngày 1/5 quân ta tiếp tục mở đợt tiến công thứ ba, đánh chiếm các cứ điểm phía Ðông, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, tướng Ðờ Caxtơri cùng Bộ Tham mưu và binh lính phải đầu hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch ghi dấu mốc son vàng chói lọi lịch sử dân tộc Việt
60 năm sau ngày giải phóng
Góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ vĩ đại, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên đã đoàn kết một lòng cống hiến tất cả sức lực, trí tuệ, tinh thần và của cải với mục tiêu “tất cả cho chiến trường”. Khắp mọi nơi trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, nghe theo tiếng gọi của Ðảng, của Bác Hồ, đồng bào nô nức lên đường tham gia chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Trong những ngày tháng gian khổ đó, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song nhân dân các dân tộc trong tỉnh đều sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, đóng góp hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm tấn thịt và rau xanh; huy động hàng ngàn ngựa thồ và thuyền, mảng để vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến trường…
Sau ngày hòa bình lập lại, cùng với niềm vui chiến thắng, niềm hạnh phúc độc lập tự do, nhân dân Ðiện Biên phải đối mặt với không ít thách thức. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp độc canh, tự cấp, tự túc, du canh, du cư nên trong một thời gian dài, đói nghèo đã đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc. 100% dân số mù chữ, sự hiểu biết về chính trị, xã hội còn thấp kém, trình độ, kinh nghiệm sản xuất còn lạc hậu…
Phát huy truyền thống cần cù, dũng cảm, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, nhân dân tích cực khai hoang, phục hóa, chăn nuôi đại gia súc, khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; xây dựng sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa; tăng cường công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị; thực hiện nhiệm vụ tiễu phỉ trừ gian… Do đồng lòng quyết tâm tiến hành triển khai thực hiện một cách quyết liệt, triệt để nên sau một thời gian ngắn, Ðiện Biên đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành xuất sắc việc khôi phục sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân, tạo thế ổn định về chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tháng 10/1963, Ðại hội đại biểu tỉnh lần thứ nhất xác định rõ: “Trên cơ sở nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa của nhân dân các dân tộc, tăng cường đoàn kết dân tộc, ra sức củng cố và xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp một cách toàn diện, trọng tâm là sản xuất lương thực; giải quyết một bước về công nghiệp và giao thông vận tải. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển mạng lưới thương nghiệp phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng Ðảng về mọi mặt, không ngừng củng cố Ðảng, chính quyền, các đoàn thể, bảo đảm an toàn biên giới và nội địa”.
Giữa lúc cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ nhất (1963 - 1965) và các chỉ thị của Trung ương, Mỹ lấy cớ “sự kiện vịnh Bắc Bộ” tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân, ném bom đánh phá miền Bắc; trong đó có một số điểm ở huyện Ðiện Biên, huyện Tuần Giáo. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Ðảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ anh hùng, cùng quân dân cả nước thực hiện “tay cày, tay súng”, vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa chiến đấu bắn rơi tại chỗ 14 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác; phát hiện và tiêu diệt nhiều ổ nhóm biệt kích, gián điệp, bắt sống hàng trăm tên phỉ, góp phần đập tan âm mưu phá hoại hậu phương miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai.
Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hàng nghìn con em các dân tộc trong tỉnh đã tình nguyện nhập ngũ, lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần xây đắp mối tình hữu nghị Việt – Lào.
Bước vào giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo, nhất là sau khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy tiềm năng lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn 2011 – 2013 bình quân đạt tốc độ 9,64%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; năm 2013 tỷ trọng tương ứng là 30,58% - 37,64% - 31,78%.
Một góc Thành phố Ðiện Biên Phủ hôm nay.
Ðời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhiều mặt được nâng cao một bước rõ rệt. 125/130 xã có đường ô tô đến trung tâm, 126/130 xã có điện lưới quốc gia, 100% số xã, phường có trạm y tế, 100% người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, 88% số dân ở đô thị và gần 73% số dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 72% hộ dân có máy thu hình và được xem truyền hình, 100% số hộ nghe được Ðài Tiếng nói Việt Nam, tỷ lệ phủ sóng phát thanh địa phương đạt 82%...
Tập trung chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, Ðiện Biên đã giảm được 4,98%/năm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 – 2013; hiện đang tích cực triển khai xây dựng quy hoạch nông thôn mới 98/116 xã. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị cũng như các vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
60 năm qua, kể từ dấu mốc son vàng chói lọi chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðảng bộ và nhân dân mảnh đất anh hùng vẫn từng ngày, từng giờ phát huy truyền thống lịch sử, đoàn kết một lòng cùng nhân dân cả nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cả nước hướng về Ðiện Biên - Ðiện Biên hướng về cả nước, nghĩa tình đồng bào ấy không chỉ là sợi dây gắn chặt thắt bền dòng máu nguồn cội con Lạc cháu Hồng trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu, mà còn là sự tri ân sâu sắc thế hệ ông cha – những chiến sĩ Ðiện Biên quả cảm và anh hùng đã đổ máu vì độc lập, tự do và hạnh phúc ngày hôm nay.
Thế An
Tin cùng chuyên mục
- Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng: Khen thưởng, tặng quà tết cho người lao động và hộ nghèo 21.01.2025 | 22:29 PM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ
- UBND tỉnh tiếp nhận 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ tặng quà tết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa
- Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm
- Bàn giao công tác của Chủ tịch UBND tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khánh thành nhà cho hộ nghèo
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc tết các văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc tết văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khánh thành nhà ở cho hộ nghèo huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trao quà tết cho đoàn viên, người lao động