Thứ 5, 25/07/2024, 00:30[GMT+7]

Ký ức người lính "canh trời"

Thứ 6, 16/05/2014 | 08:50:15
1,090 lượt xem
Một sự trùng hợp bất ngờ, ngày thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, tiền thân của Binh đoàn Trường Sơn cũng chính là ngày sinh lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1959). Hơn 5 thập kỷ đã qua đi, quá khứ hào hùng những năm tháng chống Mỹ cứu nước đã đi vào lịch sử, là tài sản tinh thần vô giá của những người lính Trường Sơn làm nên tuyến đường huyền thoại, trong đó có những người lính Đại đội 4 súng 12,7 ly. Chiến công và ký ức về một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên tr&#

Cựu chiến binh Nghiêm Chúc Huê nâng niu tấm bằng tám chữ vàng danh dự do Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tặng.

Đại đội 4 súng 12,7 ly được thành lập ngày 10/5/1965 tại xóm Đông Hà, xã Kỳ Hưng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), thuộc Đoàn 22 huấn luyện Quân khu 4, sau được bổ sung cho Đoàn 559. Đại đội trưởng đầu tiên là đồng chí Dư Văn Tùy, quê ở xã Lê Lợi (Kiến Xương). Ban đầu đơn vị có 118 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 2 trung đội với 6 khẩu đội 12,7 ly.

Trong ký ức của cựu chiến binh (CCB) Nghiêm Chúc Huê ở thôn 5B, xã Vũ Trung (Kiến Xương), trận đánh cao điểm 450 trên khu vực sông Bồ thuộc xã Tà Lương, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đầu năm 1968 là trận đánh ác liệt nhất. Thời gian này, đế quốc Mỹ sau những thiệt hại nặng nề trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968 đã điên cuồng cho quân ném bom đánh phá tuyến vận chuyển chiến lược của ta. Đại đội 4 được lệnh đánh địch đổ bộ ở ngầm sông Bồ, cuối đường B73 tiếp giáp với đường 12 ở Động Tranh, huyện A Lưới.

CCB Nghiêm Chúc Huê kể lại: “Địch dùng hàng trăm máy bay ném bom và bắn pháo vào các cao điểm ở khu vực sông Bồ để chúng đổ quân. Đại đội 4 đã phối hợp cùng đơn vị bộ binh K9 - Quân khu Trị Thiên chốt ở đồi 420, 450. Sau một ngày, địch vừa dùng máy bay trinh sát vừa đánh phá, đổ quân. Ngay trong ngày đầu tiên, đơn vị đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay chở quân của địch như H21, H34, trực thăng trinh sát, trực thăng UH-1A. Đến ngày thứ hai, địch chia làm hai cánh tràn lên cao điểm 450 nhưng bị Đại đội 4 đánh trả quyết liệt khiến chúng phải co cụm lực lượng rồi rút quân bằng trực thăng. Sang đến ngày thứ ba chúng tiếp tục dùng không quân uy hiếp ta. Đại đội 4 bố trí 2 khẩu 12,7 ly vừa bắn địch trên không vừa bắn mặt đất. Sau 3 ngày, đơn vị giữ được cao điểm quan trọng 450”.

Ngày ấy, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 là những người giữ nhiệm vụ “canh trời” giữa đại ngàn Trường Sơn, tiêu diệt địch trên không bảo đảm an toàn cho tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chiến công vang dội của Đại đội 4 trong các trận đánh ác liệt càng thổi bùng lên ngọn lửa sục sôi chống Mỹ của người lính Trường Sơn, vượt qua thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại đội 4 là một tập thể kiên cường, tài trí, cơ động giỏi. Chỉ hơn 1 tuần chiến đấu tại địa bàn A Sầu - A Lưới (Thừa Thiên - Huế), đơn vị đã bắn rơi nhiều máy bay lên thẳng, máy bay chở quân của Mỹ, góp phần bẻ gãy tuyến đổ bộ bằng đường không của đế quốc Mỹ.

Kỷ niệm về những trận chiến đấu ác liệt với quân thù được CCB Nghiêm Chúc Huê ghi lại trong cuốn sổ tay của mình. Ông nói rằng, ghi lại để sau này không bao giờ lãng quên. Những tháng ngày chiến đấu vô cùng khó khăn nhưng luôn sáng ngời niềm tin, tình yêu Tổ quốc ấy mãi còn lưu lại cho thế hệ mai sau. Rồi ông lặng lẽ mở ngăn tủ, nơi lưu giữ những kỷ niệm về một thời binh lửa, lấy ra những chiếc huân, huy chương đã được gói ghém cẩn thận.

Ông không giấu được niềm tự hào: Đại đội của tôi 2 lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lần thứ nhất vào ngày 1/1/1967, lần thứ hai vào ngày 1/10/1971.

Tất Đạt

  • Từ khóa