Chủ nhật, 19/05/2024, 08:42[GMT+7]

Thành Phố - Thái Bình Xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ 5, 14/10/2010 | 08:45:43
1,524 lượt xem
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc cách đây đã 35 năm. Nhưng những di chứng của chất độc da cam/ đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh vẫn đang ngấm ngầm huỷ hoại ghê gớm thân thể những người bị nhiễm và cả con, cháu của họ.

Nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam chưa có hồi kết.

Riêng ở Thành phố Thái Bình đến nay đã thống kê được hơn 3 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Nỗi đau của các nạn nhân da cam rất đa dạng: câm, điếc, tâm thần, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ, mù loà, bại liệt. Họ là những người có sức khoẻ yếu nhất, khả năng lao động kém nhất, thu nhập và mức sống thấp nhất.

Tại xã Vũ Phúc, gia đình ông Hoàng Văn Đáp - người vừa qua đời do nhiễm chất độc da cam/ đi-ô-xin đã sử dụng gian nhà có cửa sắt kiên cố để giữ và chăm sóc con gái là Hoàng Thị Chiên - mắc bệnh tâm thần đã 16 năm qua vì bị di chứng chất độ da cam từ bố. Mọi sinh hoạt của Chiên đều do bà Vũ Thị Dưỡng - mẹ đẻ của Chiên lo toan. 2 mẹ con bà mỗi tháng chỉ sống bằng số tiền nhà nước trợ cấp vì 3 sào ruộng khoán của hợp tác xã, bà phải cho người khác canh tác.

Ông Bùi Công Nhan, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ trao đổi về việc chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân da cam ở địa bàn thành phố: “Những năm qua cấp uỷ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn quan tâm chăm sóc đối tượng nạn nhân da cam như: trợ cấp, tặng quà, tạo việc làm. Nhưng hầu hết các gia đình đối tượng này còn khó khăn. Thực hiện chủ trương của tỉnh uỷ, thời gian tới Thành phố chỉ đạo các cơ sở làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân da cam và xây dựng “Quỹ vì nạn nhân da cam”.

Vừa qua, các tăng ni, phật tử chùa Thánh Long đã cầu siêu cho cháu Mai Thị Huyền Trang, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học KHoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Bố cháu là ông Mai Phú Hoạt, hiện là Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thành phố. Ba chị em Huyền Trang đều bị nhiễm chất độc da cam từ bố nhưng riêng Trang có đủ trí tuệ học đến đại học. Song, niềm hy vọng lớn nhất của vợ, chồng ông Hoạt đã trở thành nỗi thất vọng khi Trang qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo.

Để giúp các nạn nhân chất độc da cam vơi đi những khó khăn trong cuộc sống, các ngành, các đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện, nhân đạo đã và đang tích cực đóng góp xây dựng “Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin”. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ, tặng quà, trợ cấp cho các nạn nhân từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Điển hình là Ngân hàng cổ phần Hàng Hải, Công ty sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Sen. Ông Phạm Bá Tuyển, giám đốc Ngân hàng cổ phần Hàng Hải, chi nhánh Thái Bình cho biết đơn vị đã ủng hộ “Quỹ nạn nhân chất độc da cam hơn 100 triệu đồng.

Nhờ có sự tài trợ của các tập thể cá nhân trong và ngoài tỉnh mà 5 năm qua Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thành phố Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng 3 “ngôi nhà tình nghĩa” cho 3 nạn nhân. Tặng các  hội viên 19 chiếc xe lăn, 3 máy trợ thính, 100 chiếc quạt điện, nhiều đồ dùng cá nhân và hơn 1 ngàn xuất quà trị giá hơn 230 triệu đồng. Có 25 nạn nhân gián tiếp, là con đẻ của các nạn nhân trực tiếp được giới thiệu đi học nghề. Riêng dịp Tết Nguyên đán Canh Dần (2010) có 100% nạn nhân gián tiếp được tặng quà và 18 gia đình nạn nhân được trợ cấp khó khăn.

Nhiều cơ quan, doanh nghiệp quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân da cam đi - ô - xin. Điển hình là doanh nghiệp dạy nghề - tạo việc làm Thanh Hà, Công ty TNHH 27 tháng 7, doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ Tuấn Minh. Bà Phạm Thị Lạc, Giám đốc doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Tuấn Minh có chồng cũng là một nạn nhân chất độc da cam /đi-ô-xin cho biết: “Chúng tôi đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tàn tật, trong đó có 1 số cháu là nạn nhân chất độc da cam. Các cháu có việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định”.

Vượt lên trên nỗi đau ngày đêm dày vò thân thể, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã tích cực lao động,sản xuất, tuỳ theo điều kiện nhằm có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Ông Trịnh Xuân Thừa, ở xã Vũ Phúc, một nạn nhân trực tiếp đã vay vốn mở cửa hàng kinh doanh ga và đỗ dùng bằng i - nốc, nhựa. Anh Vũ Xuân Thoại, ở phường Trần Hưng Đạo học nghề và về dạy nghề vi tính. Anh Bùi Tiến Hợp và vợ là Đào Thị Hà bị câm, làm nghề may với sự trợ giúp của bố đẻ là Bùi Tiến Học, phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin phường Trần Hưng Đạo.

Ông Phạm Duy Nhuần, một nạn nhân chất độc da cam, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin phường Trần Hưng Đạo trao đổi về hoạt động của hội như sau: “Từ ngày thành lập đến nay hội chúng tôi luôn luôn coi trọng việc tập hợp hội viên và thường xuyên động viên hội viên khắc phục khó khăn, tích cực tham gia lao động sản xuất để cải thiện cuộc sống. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố tổ chức hội và tranh thủ sự giúp đỡ của các tập thể, cá nhân hảo tâm đối với các nạn nhân da cam”.

Nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam chưa có hồi kết. Nhằm góp phần làm vơi đi những nỗi đau ấy, rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, mà trước nhất là sự hảo tâm của mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Thái Bình.

Nguyễn Văn Tìm
(Đài Phát thanh Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày