Chủ nhật, 28/07/2024, 11:42[GMT+7]

Tai nạn thương tích trẻ em trong dịp hè - Nỗi lo thường trực

Thứ 3, 10/06/2014 | 08:12:47
1,225 lượt xem
Hàng năm vào kỳ nghỉ hè, số trường hợp tai nạn thương tích đối với trẻ em tăng cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích cho trẻ em, song nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ sự thiếu cẩn trọng của người lớn. Vì vậy phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nhất là trong dịp hè là việc cần được tăng cường triển khai thực hiện.

Khu vui chơi của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư. Ảnh: Ngọc Linh

Khoảng 17 giờ chiều ngày 28/5, sau khi liên hoan tổng kết năm học tại trường về, cháu Phạm Như Quỳnh, sinh năm 2011 ở thôn An Vị, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ chơi ở sân sát cạnh ao của gia đình. Do không có người lớn quản lý nên cháu bị sảy chân rơi xuống ao. Khi gia đình phát hiện, tổ chức sơ cứu nhưng cháu đã tử vong.

Tại huyện Vũ Thư, chỉ ít ngày trước lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em đã xảy ra hai vụ đuối nước thương tâm. Đó là trường hợp cháu Trần Hà Lâm, sinh năm 2008, học sinh Trường Mầm non xã Tân Lập bị ngã xuống ao nhà hàng xóm tử vong và cháu Phạm Quang Hoạt, sinh năm 1999 ở thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng bị tử vong do đuối nước khi bơi ra sông, dù cháu bơi rất giỏi. Cả hai trường hợp này đều bị tai nạn tại ngoài giờ học. Đây chỉ là 3 trong số các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích xảy ra gần đây. Tai nạn thương tích đối với trẻ em vẫn luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh, nhất là trong thời gian trẻ nghỉ hè.

Ông Bùi Công Nhan, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH cho biết: Toàn tỉnh có trên 429.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Hàng năm vào kỳ nghỉ hè, số trường hợp tai nạn thương tích đối với trẻ em tăng cao. Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã có 402 trẻ bị tai nạn thương tích. Ngoài những tai nạn do leo trèo, tai nạn giao thông, bỏng… thì tình trạng trẻ em bị đuối nước chiếm tỷ lệ cao tại các địa phương. Điển hình như tại hai xã Nam Hải, Nam Chính (Tiền Hải) xảy ra 4 vụ đuối nước; huyện Đông Hưng xảy ra 6 vụ đuối nước. Anh Phạm Chí Dũng, Phó phòng Lao động - TBXH huyện Vũ Thư cho biết: Năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, huyện Vũ Thư có 177 trẻ bị tai nạn thương tích trong đó có 18 trẻ tử vong.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích cho trẻ em, song nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ sự thiếu cẩn trọng của người lớn. Nhiều bậc phụ huynh rất chú trọng chăm lo đầu tư cho con trong việc học hành và dinh dưỡng nhưng đôi lúc lại thiếu sự quan tâm đến sự an toàn cho trẻ. Việc trang bị những kỹ năng cần thiết trong phòng ngừa tai nạn rủi ro cho trẻ em được thực hiện rất hạn chế vì vậy phần lớn trẻ em chưa được học cách nhận biết những nguy cơ gây tai nạn cho mình và cách phòng tránh.

Trong lúc vui chơi, trẻ em rất cần sự quản lý của người lớn.

Do đó, để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là trong dịp hè, mỗi gia đình cần chủ động có các biện pháp giáo dục con cái kỹ năng chăm sóc bản thân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của trẻ. Trong thời gian học sinh nghỉ hè, mặc dù các em được bàn giao về địa phương quản lý nhưng nhà trường vẫn phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương và đoàn thanh niên cơ sở để tổ chức tốt các hoạt động hè, thu hút các em tham gia, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, vận động, truyền đạt kỹ năng phòng, chống tai nạn cho học sinh.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, đoàn thể cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Hướng dẫn các gia đình và cộng đồng thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em và phòng chống đuối nước cho trẻ. Tổ chức giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em theo định kỳ tại các địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống thương tích cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Cần đẩy mạnh và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng xã hội.

Chính quyền, đoàn thể các địa phương cần chú trọng thực hiện đồng bộ các chương trình, giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh những địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích nhằm giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn thương tích đối với trẻ. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và chính quyền, đoàn thể các cấp sẽ là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế tai nạn thương tích đáng tiếc cho trẻ em.

Mai Thư

  • Từ khóa