Thứ 6, 02/08/2024, 09:20[GMT+7]

Hai lần theo đoàn làm phim truyền hình về cơ sở Hai lần được giải thưởng báo chí

Thứ 4, 18/06/2014 | 09:08:29
773 lượt xem
Vào dịp cuối năm 1995 có đoàn làm phim ở Ðài Truyền hình Việt Nam về công tác ở Thái Bình muốn làm một phóng sự về một đơn vị điển hình làm tốt công tác dân số ở tỉnh ta. Chúng tôi đưa Ðoàn về thôn Tân Hưng – một thôn công giáo toàn tòng thuộc xã Ðông Xá, huyện Ðông Hưng, đơn vị nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Ảnh: Trung Đức

Những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ XX) mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGD), song tình hình dân số ở tỉnh ta vẫn đứng trước những khó khăn và thử thách lớn: Quy mô dân số, tỷ lệ sinh, đặc biệt là tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên tăng cao. Nhưng sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, tỉnh ta đã giành được thành tựu đáng kể, các mục tiêu DS-KHHGÐ từ năm 2000 đến nay đã tương đối ổn định (cả quy mô dân số, tỷ lệ sinh và mức sinh thay thế).

Tôi còn nhớ những năm ấy Ðài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình, Tạp chí Văn hóa, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã mở chuyên mục: “Dân số và phát triển” thường xuyên cập nhật tin tức bài vở về công tác DS-KHHGÐ. Lúc ấy tôi đang làm Trưởng phòng Truyền thông ở Ủy ban DS-KHHGÐ tỉnh, được phân công theo dõi công tác dân số huyện Hưng Hà. Ðầu năm 1995, chị Lan Anh, phóng viên Ðài PT-TH tỉnh có gợi ý làm một phóng sự truyền hình về một đơn vị điển hình hoặc một cơ sở còn yếu kém trong công tác DS-KHHGÐ, chúng tôi đồng ý ngay.

Truyền hình trực tiếp. Ảnh: Phi Thành

Chúng tôi về Ðoan Hùng – một xã nội đồng của huyện Hưng Hà có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên rất cao, nhất là có nhiều đảng viên vi phạm chính sách dân số của Ðảng và Nhà nước. Chúng tôi vào các gia đình đã hoặc vừa sinh con thứ 3 trở lên để gặp gỡ, phỏng vấn, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên nhiều đến vậy. Mặc dù phần lớn họ không mấy thiện cảm, hoặc trả lời nhát gừng hoặc quay mặt đi chỗ khác tránh né máy ghi âm và ống kính của các phóng viên nhưng sau khi về tôi đã hoàn thành phóng sự “Bức xúc Ðoan Hùng”. Tôi mạnh dạn gửi đến Tạp chí Văn nghệ tỉnh và Báo Thái Bình và được đăng ngay trong chuyên mục “Dân số và phát triển”. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được các báo và bạn đọc khen là dám nói lên sự thật, song vì tôi là người quê Hưng Hà, theo dõi Hưng Hà lại “vạch áo cho người xem lưng”, sợ lãnh đạo UBND, Ủy ban Dân số huyện và lãnh đạo ở Ðoan Hùng phật ý!.

Không ngờ sau đó tôi về giao ban ở Ủy ban Dân số huyện, anh Phẩm lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách văn xã, anh Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số huyện nói với tôi: Lãnh đạo và bà con Ðoan Hùng gửi lời cảm ơn đồng chí, chính nhờ bài báo ấy mà một số đồng chí cán bộ, đảng viên nhận ra khuyết điểm, tự kiểm điểm và tự nhận kỷ luật cho mình. Và cũng vì thế Ðoan Hùng sau này trở thành một xã có phong trào khá của huyện về công tác DS-KHHGÐ. Bài phóng sự đó tôi đã được Ban Tổ chức cuộc thi về “Dân số và phát triển” trao tặng giải Nhất báo chí.

Ảnh: Trung Đức

Vào dịp cuối năm 1995 có đoàn làm phim ở Ðài Truyền hình Việt Nam về công tác ở Thái Bình muốn làm một phóng sự về một đơn vị điển hình làm tốt công tác dân số ở tỉnh ta. Chúng tôi đưa Ðoàn về thôn Tân Hưng – một thôn công giáo toàn tòng thuộc xã Ðông Xá, huyện Ðông Hưng, đơn vị nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Ðến Tân Hưng, bà con ở đây được báo sớm nên chưa vội ra đồng. Sau một hồi chuông vang lên, sân nhà thờ đã chật ních người. Anh em ở Ủy ban Dân số huyện mang tờ rơi tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch phát cho bà con làm cho cảnh quay thêm sinh động và rất thực tế.

Sau đó, Ðài Truyền hình Việt Namon> phát bài “Tân Hưng – Xứ đạo nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên”. Còn tôi với tư liệu sẵn có lại viết một phóng sự về Tân Hưng. Lúc đầu cũng lấy cái tít na ná như ở Ðài Truyền hình Việt Namon> nhưng trong đầu tôi bỗng nảy ra ý tưởng mới đó là tiếng chuông nơi nhà thờ xứ đạo ngân lên hôm nào. Từ phóng sự tôi chuyển sang thể bút ký. Thế là “Nơi vang tiếng chuông ngân” - bút ký của tôi đã ra đời và được in trên Tạp chí Văn nghệ, Báo Thái Bình. Bài viết này cũng đã lọt vào vòng chung khảo của Ban Tổ chức cuộc thi với giải Nhì văn học (1995 – 2000).

Bây giờ tôi đã nghỉ hưu. Tình hình dân số nói chung kể cả ở tỉnh nhà cũng đã tương đối ổn định. Tôi vẫn là cộng tác viên của một số báo và tạp chí nhất là Báo Thái Bình, Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạp chí Người làm báo. Những bài học thành công của những lần đi thực tế cơ sở năm xưa vẫn còn nóng hổi trong tôi.

                                                                                            

Xuân Nha

(Thành phố Thái Bình) 

  • Từ khóa