Thứ 5, 01/08/2024, 15:14[GMT+7]

Thực tiễn làm báo: Càng khó, càng phải dấn thân

Thứ 4, 18/06/2014 | 09:21:03
624 lượt xem
Sau gần 15 năm làm báo ở cơ sở với đủ những va vấp, trăn trở; điều mà đến bây giờ tôi thấy tâm đắc và cũng là câu nằm lòng của những nhà báo đó là: đã làm báo, càng khó càng phải dấn thân. Bởi, có như vậy, người làm báo mới hoàn thành được nhiệm vụ và thực sự là “chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Rất nhiều những bài học sinh động, nhưng với tôi, có một lần xuống cơ sở tác nghiệp đã để lại kỷ niệm không thể nào quên.

Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Thành Tâm

Là phóng viên của một đài huyện, hơn nữa là cộng tác viên của Báo Thái Bình, tôi tự hào và luôn hăm hở bước vào cuộc sống người làm báo. Lăn lộn cùng thực tiễn và tích cực viết bài cộng tác. Có thể nói, nhờ những bài viết được đăng trên báo Thái Bình mà công việc đi cơ sở của tôi cũng gặp nhiều thuận lợi hơn. Nhưng một lần, khi xác định được chủ đề bài báo rồi mà việc đi lấy tài liệu sao mà khó! Rồi sau khi bài báo ra đời, sức ép từ đối tượng bị phản ánh… cũng khiến cho “máu xông pha” tưởng như bị lung lay.

Trong một cuộc họp tiếp xúc cử tri với đại biểu HÐND tỉnh và huyện, cử tri của xã Tự Tân bức xúc và phân trần những nỗi khổ, nỗi lo lắng chỉ vì từng giờ bị mất đất canh tác. Xác minh nhanh sự việc, đúng là có thật. Một đề tài có tính nhân văn vì liên quan đến cuộc sống, sinh kế của nhiều người dân. Người làm báo không thể không viết. Tôi quyết định xuống thực địa xem cụ thể và nghe những người dân nói.

Chuyện là thời gian gần đây, ngày nào cũng có hàng chục chiếc xà lan và máy hút cát công suất lớn vào ven bờ khi đêm xuống và ra giữa sông Hồng vào ban ngày để hút cát nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Hoạt động trái phép này không chỉ làm sạt lở đất bãi – đất canh tác của bà con nông dân mấy chục năm qua mà còn làm sạt lở nghiêm trọng đến kè và chân đê quốc gia.

Nghe bà con phản ánh thì bức xúc lắm, thấy rõ thủ đoạn vi phạm pháp luật của đối tượng. Nhìn đất bãi lở hoắm và những phên đá, bê tông nứt vỡ chỉ chờ sóng đánh nhẹ là cuốn tuột ra sông, vấn đề là, có đúng nó được bắt nguồn từ chuyện hút cát của những chiếc xà lan không. Và có chuyện ngày chúng hút ở giữa sông, đêm vào ven bờ móc ruột dòng sông? Ðể trả lời câu hỏi này, không cách nào khác là tìm đến các cơ quan chức năng để tìm hiểu. Nhưng, khi đặt liên hệ, hầu như đều nhận được cái lắc đầu và từ chối cung cấp thông tin. Mà lý do cũng bởi tôi chỉ là phóng viên đài huyện: không thẻ nhà báo, không được coi là phóng viên báo chí. Và thêm một lý do nữa, đây lại là vấn đề tế nhị, mặt trái. Ðược sự chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, phải phản ánh để sớm chấm dứt tình trạng này, bảo vệ an toàn cho hệ thống đê chống lũ và đất sản xuất của nhân dân, tôi quyết tâm đi tìm cách phản ánh.

Một đêm thức trắng cùng với máy chụp ảnh, ghi hình ngoài bãi sông để xác minh, liệu có thủ đoạn tinh vi của đối tượng như bà con phản ánh. Kết quả là không có một tấm ảnh hay clip nào được ghi vì chúng “đánh hơi được”. Hai ngày sau, thêm một đêm nữa ngồi “trinh sát”. Lần này ra về với đống tư liệu sinh động. Ngoài hình ảnh có được, tôi tiếp tục trở lại để ghi âm một số thông tin và phản ánh của người dân.

Hoạt động nghiệp vụ của phóng viên, biên tập viên Ðài Truyền thanh huyện Vũ Thư. Ảnh: Ngọc Linh

Có tư liệu trong tay, tôi dự định chia làm 3 phần để phản ánh lên mặt báo và truyền hình. Anh em đồng nghiệp bảo, ông này định “chẻ” thông tin để kiếm nhuận bút đây. Ðâu phải thế! Người làm báo ai cũng đều biết, khi phản ánh liên quan đến mặt trái thì phải có thông tin đầy đủ. Và khi phản ánh thì, biết 10 nên phản ánh tối đa là 7, còn 3 để lại làm “vốn” phòng khi bị “đập” từ phía đối tượng bị phê phán mà tiếp tục phản ánh.

Sau khi Ðài PT-TH Thái Bình và Báo Thái Bình đưa bài báo tới công chúng, thông tin phản hồi tới tôi ngay. Sự dọa dẫm, bóng gió nhằm ngăn cản tôi thông tin và  phủ nhận thông tin đã đưa. Rồi có cả sự chỉ đạo, thôi không đưa bài lên cơ quan báo chí nào khác… Sẵn chuẩn bị tâm lý và có cả “vũ khí” trong tay nên tôi bình tĩnh đối đầu với các tình huống…

Bà con nhân dân thì chuyền tay nhau tờ báo để đọc và phấn khởi lắm. Phần vì tâm tư của bà con được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, phần vì bà con nghĩ: Báo đã đăng thì nhất định vấn đề nêu sẽ được giải quyết. Và giờ đây, sau mỗi mùa mưa lũ hay có tàu thuyền to đi qua đánh sóng vào bờ nhưng tình trạng sạt, lở bờ bãi và đê kè không còn. Ðịa phương không còn nỗi lo nơm nớp trong công tác phòng chống lụt bão. Nhân dân giữ được đất để làm ăn. Huyện bớt đi nỗi lo các công trình đê điều bị xâm hại và xuống cấp. Niềm vui ấy của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân cũng trở thành niềm vui, có thêm động lực để những nhà báo tiếp tục dấn thân trên bước đường nghề.

Chỉ là một người làm báo ở cơ sở gần 15 năm với đủ những khó khăn, từ không được công nhận là nhà báo, không thẻ nghề, không nhuận bút cho đến việc đi cơ sở độc lập một mình, đường xa mà phương tiện duy nhất là chiếc xe máy, nhiều khi phải đi tới 3, 4 lần mới có được tư liệu để viết... Thế nhưng, đã yêu nghề thì phải sống chết với nghề, càng khó càng phải dấn thân.

Khắc Duẩn

(Ðài Truyền thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa