Thứ 4, 24/07/2024, 12:31[GMT+7]

Ý kiến, kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XV

Thứ 3, 08/07/2014 | 08:27:32
1,096 lượt xem
Trước Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XV, Báo Thái Bình đã ghi nhận một số ý kiến, kiến nghị với mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành chức năng quan tâm xem xét, giải quyết.

Cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới rất thiết thực, hợp lòng dân

Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài (Vũ Thư)

Quyết định 19 của UBND tỉnh với cơ chế hỗ trợ xi măng để nhân dân xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn thực sự là chủ trương phù hợp, mang tính kích cầu, tạo động lực cho các địa phương huy động tối đa các nguồn lực, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đi vào lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, việc triển khai thực hiện Quyết định này đã tạo phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng sôi nổi ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để phát huy có hiệu quả cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, bắt buộc các cấp ủy, chính quyền xã phải chỉ đạo sát sao, các thôn phải quyết tâm thực sự, người dân phải đoàn kết, đồng thuận. Thực tế cho thấy, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi”, cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh đã được nhân dân tích cực ủng hộ bằng cách tự nguyện huy động, đóng góp thêm nguồn lực để làm đường giao thông nông thôn. Bởi vậy, hiệu quả đạt được trong thực hiện Quyết định 19 đã góp phần xây dựng diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Đối với xã Vũ Đoài, thực hiện Quyết định 19 của UBND tỉnh đã tiếp nhận hơn 2.111 tấn xi măng (tính đến ngày 23/6/2014), nguồn kinh phí nhân dân đóng góp và xã hội hóa trên 2.211 triệu đồng, 5.000 ngày công để hoàn thành 88 tuyến đường dài gần 12km. Toàn xã có hàng trăm hộ tự nguyện hiến đất thổ cư, phá dỡ tường bao, chặt cây lâu năm để xây dựng đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng, chỉnh trang khu dân cư theo hướng văn minh, hiện đại. Dưới sự giám sát của nhân dân, nguồn xi măng hỗ trợ được sử dụng bảo đảm đúng mục đích. Do vậy, các tuyến đường đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật đối với tiêu chuẩn theo xây dựng nông thôn mới.

Điều tiết tiền thu xử phạt vi phạm hành chính góp phần quản lý chặt chẽ ngân sách Nhà nước

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính

Ngày 31/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 153/2013/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, kể từ ngày 16/12/2013, tiền thu xử phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN theo quy định của pháp luật và  điều tiết 100% cho ngân sách địa phương (trừ tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông). Thẩm quyền quyết định xử phạt của cấp nào thì ngân sách cấp đó được hưởng.

Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, điều tiết về ngân sách trung ương 70% để chi cho lực lượng công an, điều tiết cho ngân sách cấp tỉnh 30% để chi cho các hoạt động của các lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trước khi Thông tư số 153 được ban hành, tiền thu xử phạt vi phạm hành chính được nộp vào tài khoản tạm giữ, sau khi trừ chi phí cho công tác thu số còn lại được nộp vào NSNN. Chính vì vậy, trong NSNN không thể hiện được đầy đủ số thu xử phạt vi phạm hành chính. Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 8 phê duyệt quy định tỷ lệ % phân chia nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh theo đúng Thông tư số 153.

Nếu được HĐND tỉnh phê duyệt, việc triển khai thực hiện quy định này sẽ góp phần quan trọng quản lý chặt chẽ, đầy đủ và toàn diện NSNN bởi nếu có phát sinh chi cho công tác xử phạt, những đơn vị có liên quan phải lập dự toán chi và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các công trình, dự án

Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định: Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh phải trình Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2013 đến trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.943,4 ha diện tích đất trồng lúa để thực hiện 1.434 công trình, dự án.

Nhưng theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai thì đối với các công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, diện tích từ 10 ha trở lên mới phải trình Thủ tướng Chính phủ. Những công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa diện tích dưới 10 ha thì trình HĐND tỉnh phê duyệt trước khi các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích. Để triển khai nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng 476,45 ha diện tích đất trồng lúa để thực hiện 371 công trình, dự án. Nếu được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 8 lần này thì đây sẽ là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước giao đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ, thu nhập và việc làm cho người dân.

Cần bảo đảm sự nhất quán khi triển khai thực hiện chủ trương sử dụng đất

Ông Trần Minh Niệm, Trưởng thôn Ngọc Tiên (xã Vũ Tiến, Vũ Thư)

Về sản xuất nông nghiệp, cần quản lý chặt đầu vào, niêm yết công khai giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, quan tâm hơn nữa đến việc tạo nguồn vốn cho nhân dân mở rộng sản xuất.

Tập trung đẩy mạnh các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó cần đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cung cấp nước sạch nông thôn.

Về xây dựng nông thôn mới, đề nghị có sự quan tâm đầu tư tập trung, đồng bộ, quản lý chặt chẽ bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí, tiêu cực. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ xi măng nâng cấp hạ tầng nông thôn.

Chú trọng công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá quyền sử dụng đất; có phương án xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích như chuyển đổi trái phép, xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ mục đích thương mại…

Thực hiện chủ trương cho phép nhân dân chuyển đổi những nơi canh tác lúa kém hiệu quả sang các mô hình vườn - ao - chuồng. Trên tinh thần đó ở địa phương chúng tôi nhiều hộ gia đình đã tiên phong đầu tư tiền của, công sức thực hiện, do đó hầu hết các mô hình chuyển đổi đều đạt hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa. Tuy nhiên, việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà; cá biệt chính quyền địa phương còn quy hoạch cả diện tích chuyển đổi của bà con để bán đất làm thổ cư. Do đó tôi đề nghị thực hiện chủ trương sử dụng đất thì phải nhất quán, tránh tình trạng nhân dân vừa đầu tư tiền của, công sức chưa thu được vốn thì lại bị lấy ra gây thiệt hại cho nhân dân.

Thu phí bảo trì đường bộ cần phù hợp với tình hình thực tế địa phương

Anh Nguyễn Xuân Đốc, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duyên Hải (Hưng Hà)

Thu phí bảo trì đường bộ là một quyết định đúng, bởi đây chính là nguồn kinh phí để thực hiện duy tu sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô đã được thực hiện rộng rãi trên cả nước, tuy nhiên thu phí đối với xe mô tô mới chỉ được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố.

Quyết định thu phí bảo trì đối với xe mô tô được Nhà nước giao cho tỉnh thu và 100% số tiền thu được sẽ giao cho địa phương để các địa phương tự cân đối duy tu, sửa chữa công trình giao thông đã xuống cấp. Hiện nay, một số tỉnh đang thực hiện thu từ 50.000 - 100.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xi lanh dưới 100cm3 và từ 100.000 - 150.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xi lanh trên 100cm3. Đây không phải là mức thu quá cao nên được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp, thu nhập bình quân hàng năm của người dân còn thấp nên trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, cử tri mong muốn các đại biểu cần thảo luận kỹ lưỡng về: đối tượng thu phí, mức thu và cách thức thu như thế nào cho hợp lý để nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt là đối với một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, việc vận động đóng phí là điều không dễ, bởi quy định chỉ miễn nộp phí đối với các hộ nghèo. Trước khi triển khai thu phí đường bộ đối với xe mô tô, công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh để người dân hiểu việc đóng góp và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ chính là để phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Thu phí nước thải là biện pháp thiết thực bảo vệ môi trường

Ông Lê Văn Bút, Trợ lý Giám đốc Công ty PSVina (Khu công nghiệp Gia Lễ)

Công ty may PSVina là Công ty có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên may quần áo xuất khẩu, tạo việc làm cho 2.800 công nhân với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của Công ty chủ yếu là quần áo đua mô tô xe máy, trượt tuyết, quần áo thể thao, quần áo bảo hộ lao động, trang bị bảo hộ lao động. Các mặt hàng của Công ty không có hóa chất tẩy nhuộm, in màu, mức độ quan trắc COD không cao, trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất bình quân khoảng trên 3.000m3 nước thải/tháng. Khi trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp Gia Lễ đi vào hoạt động, Công ty đã thực hiện đầy đủ việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

Đối với Công ty tôi, mức thu phí dù cao nhưng vẫn tuân thủ theo đúng quy định, bởi doanh nghiệp luôn xác định việc thực hiện đóng phí nước thải đóng góp phần quan trọng chung tay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn phần phí thu được (sau khi trừ đi phần để lại cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu) nộp vào ngân sách địa phương; tỉnh nên đầu tư nâng cấp, bảo trì thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, đồng thời triển khai các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường nước để phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nước thải, đặc biệt là đối với nước thải công nghiệp. Các điểm đấu nối, đường ống phải được lắp đặt theo đúng quy trình, tránh tình trạng nước bị tràn ngược lại. Ngoài ra, cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để kịp thời xử lý sự cố của toàn hệ thống, bảo đảm tốt cho việc vận hành nước thải của các doanh nghiệp.

Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng cần khái quát tiểu sử người được đặt tên 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (tổ 15 phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình)

Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay, tên đường, phố trên địa bàn Thành phố còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể: Hai tuyến phố Bắc và Nam sông Kỳ Bá và Bồ Xuyên quá lạm dụng tên vua, có tới 4 ông vua được đặt cho 2 tuyến phố này. Trên địa bàn thành phố Thái Bình có phố Nguyễn Du và phố Đoàn Nguyễn Tuấn. Trong lịch sử, Nguyễn Du và Đoàn Nguyễn Tuấn có mối quan hệ rất mật thiết. Những năm lưu lạc trên đất Thái Bình, Nguyễn Du đã đến ở nhờ nhà anh vợ là ông Đoàn Nguyễn Tuấn ở huyện Quỳnh Côi (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ).  Nhắc đến Nguyễn Du, mỗi người chúng ta đều biết đó là đại thi hào dân tộc, người sáng tạo ra kiệt tác “Truyện Kiều” nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn là ai thì rất ít người biết. Rất nhiều người dân đi qua phố Đoàn Nguyễn Tuấn, phố Bùi Sĩ Tiêm, phố Hoàng Văn Thái... vẫn không ngừng thắc mắc về các nhân vật này.

Khi thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh, việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng là vô cùng cần thiết. Tôi nghĩ, ở đầu mỗi tuyến đường, phố cần có tấm biển nêu rõ tên tuổi, công danh của những người được mang tên phố giúp nhân dân Thành phố tự hào về đất và người Thái Bình nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung; thông qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước.

Mong có thêm nhiều cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone

Ông Nguyễn Văn Minh (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình)

Qua phương tiện thông tin đại chúng và một số nguồn tin khác, tôi được biết  tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV sẽ xem xét Tờ trình về Đề án “Điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Thái Bình”, bản thân tôi rất phấn khởi và mong muốn Tờ trình sẽ được HĐND tỉnh phê duyệt, Đề án sớm được triển khai.

Tôi từng có thời gian hơn 20 năm nghiện ma túy, đã hai lần đi cai nghiện tập trung nhưng sau đó vẫn tái nghiện. Từ tháng 10/2012, tôi may mắn được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone tại cơ sở thuộc Trung tâm Y tế Thành phố cùng hàng trăm người nghiện khác. Từ khi được điều trị đến nay, cuộc sống của tôi bước sang trang mới, tươi sáng hơn. Tôi không còn nghiện ma túy, sức khỏe và tinh thần tốt hơn rõ rệt, cuộc sống ổn định. Gia đình và bạn bè, hàng xóm ai cũng mừng cho tôi và không còn kỳ thị, xa lánh.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi. Còn rất nhiều người nghiện mong muốn được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Vì vậy một lần nữa, tôi mong HĐND tỉnh quan tâm, phê duyệt Tờ trình để trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone như cơ sở thuộc Trung tâm Y tế Thành phố, đáp ứng nhu cầu của người nghiện ma túy và mong mỏi của nhiều người dân.

Giải quyết dứt điểm những bức xúc của cử tri

Ông Phạm Văn Thịnh  (xã Thái Phúc, Thái Thụy)

Những kỳ họp HĐND tỉnh gần đây tôi thấy hầu hết câu hỏi của các đại biểu đã ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi của lãnh đạo các ngành hoặc cử tri chất vấn đại biểu chỉ nhận được câu trả lời chung chung hoặc né tránh, thậm chí đùn đẩy thiếu sót, khuyết điểm lĩnh vực mình phụ trách. Nhiều đại biểu HĐND tỉnh chưa phát huy hết vai trò của người đại biểu dân cử.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong kỳ họp này các đại biểu sẽ có những câu trả lời cử tri thấu tình, đạt lý; tập trung bàn biện pháp giải quyết dứt điểm các bức xúc về đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, dạy nghề, tạo việc làm… Đặc biệt, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Chúng tôi mong các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm minh việc vi phạm. Quan tâm xử lý các điểm tập trung rác tự phát ven đường ở một số địa phương, sớm xây dựng khu xử lý rác thải tập trung; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình gần khu dân cư để giảm ô nhiễm môi trường cho người dân sống gần đó.

 

  • Từ khóa