Chủ nhật, 04/08/2024, 03:21[GMT+7]

Khi khu vực giáp ranh thành bãi rác

Thứ 4, 16/07/2014 | 08:49:33
1,576 lượt xem
Những năm gần đây nền kinh tế của tỉnh phát triển rõ rệt, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Cùng với sự phát triển đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trở nên bức xúc, nhất là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt ở khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Bãi rác thải nằm trong khu vực giáp ranh giữa 2 xã Ðông Á, Ðông Huy (Ðông Hưng) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Trên những tuyến quốc lộ, đường liên huyện, đường giao thông nông thôn, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh túi nilon, bao tải chứa rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi hai bên lề đường, ném quanh các bụi rậm, ven các bờ mương tưới tiêu. Cùng với rác thải sinh hoạt còn có cả vỏ thuốc bảo vệ thực vật, chai lọ, chất thải xây dựng. Có chỗ cắm biển “Cấm vứt rác” nhưng rác vẫn chất đầy. Mặc dù, những năm qua, huyện Ðông Hưng đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng môi trường ở khu vực nông thôn, như duy trì phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”, phát động mô hình “Thôn không rác”, “Ðoạn đường văn minh đô thị”, tuy nhiên, vấn đề về môi trường đến nay vẫn còn rất nan giải, nhất là thực trạng vứt rác bừa bãi ở các khu vực giáp ranh. Tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường, ven sông diễn ra khá phổ biến và khó xử lý.

 

Trên Quốc lộ 10, địa phận các xã: Ðông Xuân, Ðông Ðộng (Ðông Hưng), Ðông Mỹ (thành phố Thái Bình) mọc lên nhiều bãi rác tự phát. Với tâm lý đất đó là đất... của chung, không thuộc xã nào quản lý lại nằm ngay trên đường giao thông thuận lợi để xả rác nên người dân các xã đã phủ đầy rác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và lấp đi cả một khúc sông rộng lớn khiến dòng nước đen ngòm, đủ thứ mùi ô nhiễm. Hay như bãi rác giáp ranh 2 xã: Ðông Á và Ðông Huy (Ðông Hưng), đều nằm trong quy hoạch nông thôn mới (NTM) nhưng đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nhâm Công Thoại, Chủ tịch UBND xã Ðông Á cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, toàn xã có 2 bãi rác thải sinh hoạt và đều đạt khoảng cách cách xa khu dân cư tối thiểu 300m. Ðến nay, xã đã đạt 11/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí môi trường. Cũng giống như Ðông Á, xã Ðông Huy cũng đã đạt 13 tiêu chí trong xây dựng NTM, tiêu chí môi trường phấn đấu đạt trong cuối năm nay khi nhà máy nước sạch đi vào hoạt động. Ðường làng, ngõ xóm của cả 2 xã đều sạch đẹp, với những con đường bê tông còn thơm mùi xi măng. Nhưng do quy hoạch bãi rác nằm sát cạnh nhau, lại ngay cạnh trục đường giao thông liên xã, ý thức của người thu gom rác chưa cao cộng với chưa có đường vào khu đổ rác nên khối lượng rác thải không được tập kết tập trung tại  bãi mà “tiện” chỗ nào là đổ luôn chỗ đó, dọc hai bên đường. Do nằm cạnh nhau nên khó xác định được rác của xã nào đổ. Lâu dần, rác tập trung ngày càng nhiều, chất thành đống gây ô nhiễm khu vực xung quanh. Tình trạng này đã được người dân phản ánh, đồng thời kiến nghị quy hoạch bãi rác ở địa điểm khác hoặc có biện pháp xử lý phù hợp nhưng chính quyền cả 2 xã vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Còn tại đường huyện lộ 219 đoạn qua xã Vũ Trung, Vũ Thắng (Kiến Xương) và  xã Vũ Vinh (Vũ Thư), ai đi qua cũng đều chứng kiến ngay được cảnh rác thải tự phát tràn hai bên vệ đường từ nhiều năm nay bốc mùi hôi rất khó chịu.

 

Len lỏi khắp các thôn xóm, hầu như bất cứ khu vực trống nào cũng trở thành bãi đổ rác thải, thậm chí nhiều cung đường ngập tràn rác thải sinh hoạt, làm môi trường nông thôn ngày một ô nhiễm hơn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều xã chưa quy hoạch được bãi đổ rác tập trung, chưa có đội vệ sinh môi trường nên người dân vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên cũng có không ít địa phương đã thành lập được đội vệ sinh môi trường song do chưa có bãi rác hoặc sự thiếu ý thức của người dân nên tiện đâu đổ đấy. Trước thực trạng rác thải nông thôn đang ở mức báo động, nhiều địa phương đã tích cực tìm hướng giải quyết nhưng trên thực tế đây không phải là bài toán dễ tìm lời giải. Bởi vậy, giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý rác thải nông thôn vẫn chưa có lời giải.

 

Một trong những khó khăn cần tháo gỡ cho “bài toán” rác thải nông thôn hiện nay là vấn đề kinh phí đầu tư các khu xử lý rác thải. Theo quy hoạch NTM, 100% các xã phải quy hoạch bãi rác thải tập trung cách xa khu dân cư, nhưng do không có kinh phí đầu tư xây dựng nên hầu hết vẫn chỉ là các quy hoạch “treo”. Toàn tỉnh mới chỉ có 14 xã có khu xử lý rác thải gắn với xây dựng NTM; 2 thị trấn của huyện Tiền Hải, Kiến Xương và xã Thụy Phúc (Thái Thụy) đầu tư lò đốt rác thải, còn lại rác thải được thu gom, tập kết tại các bãi rác tự phát của xã, thôn.

 

Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần coi trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện; hướng dẫn tận dụng môi trường vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ… Ðồng thời tập trung thực hiện các giải pháp triển khai việc thu gom rác thải ở khu vực giáp ranh. Có như vậy, tiêu chí môi trường mới sớm về đích góp phần đẩy nhanh tiến độ  xây dựng NTM của địa phương.

          Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa