Chủ nhật, 04/08/2024, 21:20[GMT+7]

Nỗi đau người lính thời hậu chiến

Thứ 5, 24/07/2014 | 08:39:23
1,374 lượt xem
Toàn huyện Vũ Thư hiện có 1.067 nạn nhân chất độc da cam trong đó hơn 330 nạn nhân gián tiếp, còn lại là nạn nhân trực tiếp. Chất độc da cam là nỗi đau của nhiều người lính thời hậu chiến.

Ông Lại Văn Biên (thôn Tường An, xã Tân Hòa, Vũ Thư) chăm sóc 2 đứa con trai suy kiệt cả thể xác, tinh thần.

Dưới cái nắng nóng oi bức, ngột ngạt của ngày hè tháng 7, Đoàn Thị Gấm (thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai) nằm lăn lóc, phơi mình dưới mái hiên nhỏ trước căn phòng rộng hơn chục mét vuông. 38 tuổi, Gấm vẫn như một đứa trẻ. Giấu giọt nước mắt lặng thầm, bà Nguyễn Thị Tẻo, mẹ Gấm tâm sự: Những khi trời lạnh, thương con đắp cho tấm chăn, mảnh áo nhưng đến sáng hôm sau, tất cả trở thành đống giẻ vụn, Gấm cắn xé, nhai ngấu nghiến mà lầm tưởng đó là thức ăn. Lúc bố mẹ vắng nhà, Gấm trèo tường, phá dậu đi lang thang, có khi xuống tận thành phố Thái Bình. Cả gia đình nháo nhào đi tìm và thấy Gấm đang bới đất, ăn sỏi. Lời nói của người mẹ dần chậm lại, nghèn nghẹn nơi cổ họng... Chất độc da cam đã biến Gấm thành vô tri vô giác.

Sinh ra vốn bình thường, khỏe mạnh, Gấm là kết tinh từ tình yêu đẹp của ông Đoàn Văn Uyến và bà Nguyễn Thị Tẻo nơi chiến trường Quảng Trị. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ gắn chặt với gia đình nhỏ khi 2 đứa con ra đời. Nhưng tới lớp 9, Gấm phát bệnh, biểu hiện ban đầu là mắt lờ đờ sau đó bị ảnh hưởng thần kinh, không tự chủ được, chạy chữa, thuốc men nhiều nơi không khỏi. Bao ngày vất vả nuôi con, nay sức ông bà đều suy kiệt. 5 năm qua, ông Uyên bị bệnh não khiến toàn thân bại liệt. Một mình bà tuổi cao, sức yếu không biết sẽ xoay sở ra sao trong những tháng ngày tiếp theo, là trăn trở của bất cứ ai từng đến thăm và chứng kiến gia cảnh.

Nỗi đau da cam không bộc phát ngay, nó tồn tại, âm ỉ bào mòn và vắt kiệt thể lực, trí lực của những người lính năm xưa. Người đàn ông mái tóc bạc quá nửa đầu vừa lọm khọm bế cháu, vừa lấy vội khăn lau miệng cho hai đứa con trai nằm trên giường. Chất độc da cam đã khiến ông Lại Văn Biên (thôn Tường An, xã Tân Hòa) cùng 3 người con trai suy kiệt cả thể xác, tinh thần. Sinh ra 3 người con khỏe mạnh nhưng tới khoảng 5, 6 tuổi thì lần lượt phát bệnh. Đôi mắt lờ đờ, tứ chi teo dần và không thể vận động, cả gia đình ông bàng hoàng trong đau đớn.

Người con trai cả Lại Văn Chuyên không bị khuyết tật vận động song lại khiếm khuyết thần kinh. 15 năm lang thang, bặt vô âm tín khiến cha mẹ cạn dòng nước mắt tìm con, chỉ đến khi có người thương tình lấy làm chồng và bế cháu về, ông bà mới biết con mình còn sống, đang ở Bình Dương. 2 cậu con trai kế tiếp là Lại Văn Mạnh (sinh năm 1982) và Lại Văn Đô (sinh năm 1984) gắn chặt cuộc đời với chiếc giường hơn hai chục năm nay. Hai chân vắt chéo, đôi bàn tay nắm chặt như đứa trẻ mới sinh, cố gắng cử động cũng chỉ nhấc nổi cổ và đầu. Mỗi lần cho con ăn uống, sâu thẳm từ đáy lòng là sự xót xa của người cha.

Qua tuổi ngũ tuần, vợ chồng ông hàng ngày vẫn phải phục vụ con. Niềm vui từ tiếng gọi cha, mẹ của những đứa con không còn, họ chìm sâu vào nỗi buồn số phận. Gian khổ chiến trường không làm ông gục ngã thế nhưng nỗi đau tinh thần khi chứng kiến những đứa con ngây dại lại làm suy kiệt người lính trinh sát Tiểu đoàn 46, Quân đoàn 4, chiến đấu tại chiến trường B2 năm xưa. Giờ đây, niềm hy vọng lớn nhất của ông là đứa cháu nội nhưng vẫn canh cánh nỗi lo bởi không biết sau này cháu có “lành lặn” hay lại giống cha, chú.

Mỗi nhân vật, mỗi cuộc đời là một thước phim quay chậm, có xem mới thấy được sự tàn khốc từ thảm họa chất độc da cam. Nỗi đau, hậu quả chiến tranh vẫn còn đó, ngấm sâu trong cơ thể những người lính, gặm nhấm, tàn phá thế hệ con, cháu của họ. Những đứa trẻ vô tội hàng ngày phải vật lộn với nỗi đau thể xác và tinh thần, điều mà lẽ ra các em không phải gánh chịu. Chiến tranh có mở đầu nhưng chưa kết thúc với những người lính đã đi qua cuộc chiến.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa