Chủ nhật, 04/08/2024, 09:18[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2014) Hậu phương của những người anh hùng

Thứ 5, 24/07/2014 | 08:49:52
788 lượt xem
“Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi mãi mãi…”. Lời bài hát nói lên nỗi niềm thầm lặng của biết bao người vợ, người mẹ Việt Nam có chồng, con ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên thịt da theo năm tháng đã lành trở lại, nhưng vết thương lòng các mẹ vẫn nặng mang.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dũng (thôn Minh Vũ, xã Thụy Xuân, Thái Thụy).

Giữa trưa hè tháng 7, chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dũng ở thôn Minh Vũ, xã Thụy Xuân (Thái Thụy) được nghe câu chuyện cảm động về cuộc đời mẹ. 13 tuổi, mẹ đã tham gia vào đội thiếu niên xã làm liên lạc, lớn hơn chút nữa, mẹ tham gia du kích địa phương. 18 tuổi, mẹ đi lấy chồng. Chồng mẹ khi ấy công tác ở Hợp tác xã (HTX) Vận tải Sông Hóa làm nhiệm vụ chở vũ khí chi viện chiến trường. Chồng đi công tác biền biệt, ở nhà mẹ vừa chăm sóc bố mẹ chồng vừa lao động sản xuất nuôi dạy các con. Cuộc sống vất vả, khó khăn không làm cho bầu máu nóng cách mạng trong mẹ lụi tắt mà ngược lại càng bùng cháy mạnh mẽ hơn.

Được bố mẹ chồng động viên, giúp đỡ, dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu mẹ vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương, tham gia tuần tra bảo vệ an ninh vùng biển và nhận nhiệm vụ trưởng thôn. Công việc bận rộn, con còn thơ dại nhưng dù làm công việc gì mẹ cũng luôn tâm niệm phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 1966, mẹ nhận được giấy báo tử của người chồng thân yêu. Nén đau thương vào lòng, 3 năm sau mẹ tiễn đưa người con đầu Nguyễn Trung Thường lên đường nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trong một trận đánh ở cầu Hóa An (Biên Hòa), anh tham gia đánh bom cảm tử và anh dũng hy sinh ngày 20/10/1974. Nỗi đau liên tiếp đến với mẹ, nuốt nước mắt vào tim, mẹ vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, chăm lo cho bố mẹ chồng và lao động nuôi con trưởng thành. Năm 1989, mẹ được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh vùng biển giai đoạn 1954 - 1989.

Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Gật (thôn Lập Bái, xã Kim Trung, Hưng Hà).

Năm 20 tuổi, cô gái Vũ Thị Xuân (thôn Tiền Tuyến, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương) đi lấy chồng. Năm 1965, khi đang mang thai người con thứ hai thì chồng lên đường nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh ở mặt trận phía Nam. Cô Xuân ngày xưa nay đã là cụ già 80 tuổi lúc nhớ, lúc quên nhưng ký ức về người chồng đã hy sinh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí: “Ông ấy hiền lành, chịu thương, chịu khó và rất yêu thương vợ con. Sau ngày ông đi được 3 tháng tôi sinh con gái thứ hai. Ông ấy hy sinh mà không được biết mặt con”.

Nỗi đau mất đi người chồng thân yêu khiến mẹ như quỵ ngã. Nhưng rồi nhìn hai đứa con thơ bé mẹ thấy mình cần phải mạnh mẽ, phải trụ vững để thay chồng nuôi dạy con khôn lớn. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, bao vất vả đặt lên đôi vai nhỏ bé, mỏng manh. Có người thương mẹ vất vả ngỏ ý mai mối để mẹ có người bầu bạn sớm khuya đỡ đần nhưng mẹ từ chối một lòng ở vậy thờ chồng, tảo tần sớm khuya nuôi hai con trưởng thành. 

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở thôn Lập Bái, xã Kim Trung (Hưng Hà), mẹ Hà Thị Gật ngồi lặng lẽ đau đáu nỗi nhớ người con trai duy nhất của mình là Hoàng Duy Sang, hy sinh năm 1970. Năm 18 tuổi mẹ đi lấy chồng. Gia tài duy nhất của hai vợ chồng là căn nhà lá. 20 tuổi mẹ sinh con trai đầu lòng trong cảnh nhà khốn khó, chồng đi làm xa. Ở nhà một mình nuôi con nhỏ và tham gia HTX địa phương. Vất vả, cực nhọc nhưng mẹ luôn là người hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất  mà HTX giao. Con trai mẹ dù là con một được miễn nhập ngũ nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vẫn xung phong vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam và đã anh dũng hy sinh. Con hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc đối với mẹ là niềm tự hào nhưng sâu thẳm trong lòng vết thương đó chẳng bao giờ liền da. Hơn 40 năm khóc thương nhớ con cũng từng ấy thời gian mẹ luôn cố gắng phấn đấu đạt nhiều thành tích cao trong lao động sản xuất để xứng đáng với sự hy sinh của con. Từ ngày chồng mất, thương mẹ vò võ cô đơn, người em dâu đã đến ở cùng. Dù tuổi đã cao nhưng mẹ vẫn gương mẫu trong đời thường, được nhân dân địa phương yêu quý.

Để có tự do, hạnh phúc hôm nay đã có hàng triệu người con đất Việt  vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Biết bao người vợ, người mẹ đã khóc cạn nước mắt vì chồng, con ra đi không trở về. Song, vượt qua nỗi đau thương mất mát đó, các bà, các mẹ vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, lao động sản xuất. Các mẹ là đại diện của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Những hy sinh thầm lặng đã góp phần làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Cuộc đời cũng như đóng góp to lớn của các mẹ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước mãi mãi là tấm gương soi sáng cho thế hệ hôm nay học tập và noi theo.

Mai Thư

  • Từ khóa