Thứ 2, 01/07/2024, 11:21[GMT+7]

5 năm gắn kết những trái tim nhân ái

Thứ 2, 04/08/2014 | 08:29:19
1,144 lượt xem
Mang trong mình sứ mệnh bắc nhịp cầu nhân ái với hành trang là những tấm ảnh đời thường cùng lý lịch trích ngang của các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), các thành viên trong Ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh không quản ngại khó khăn về khoảng cách địa lý, vượt hàng nghìn km vào Nam ra Bắc tìm đến những người sẵn lòng sẻ chia vì nạn nhân bị ảnh hưởng nặng bởi CĐDC. 5 năm qua, Ban đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm ủng hộ hơn 1.370 triệu đồng nhằm xoa dịu nỗi đau cho các n

Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng tặng quà anh Lại Thế Ngọt, nạn nhân chất độc da cam ở thôn Đông Hòa (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình). Ảnh: Ngọc Trâm

Ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh thành lập năm 2009 trên cơ sở văn phòng đại diện của Trung tâm Nhân đạo Hòa Bình (Hà Nội) thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hướng đến đối tượng trợ giúp là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng bởi CĐDC, trong quá trình hoạt động số lượng nạn nhân cần được bảo trợ không ngừng tăng, Ban đã vận động nguồn lực, kêu gọi sức mạnh cộng đồng, mở rộng hoạt động trợ giúp ở địa bàn các huyện Đông Hưng, Tiền Hải và thành phố Thái Bình.

Từ số lượng nạn nhân được bảo trợ ban đầu là 10 cháu đến năm 2010 tăng lên hơn 40 cháu, năm 2012 bảo trợ 104 cháu và năm 2014 hơn 200 cháu. Hàng tháng mỗi đối tượng được hỗ trợ 100.000 đồng. Số tiền tuy không nhiều, song đó là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực của các thành viên trong Ban suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, Ban còn kêu gọi giúp đỡ mổ tim bẩm sinh cho 4 cháu của huyện Vũ Thư, hỗ trợ xây dựng 1 ngôi nhà tình nghĩa, tiếp nhận 50 xe lăn của tổ chức phi chính phủ, vận động giúp đỡ 1 cháu tháo khớp chân do bị rò tủy xương và lắp chân giả. Thấy được ý nghĩa trong mỗi việc làm của Ban, nhiều tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã về thăm, tặng quà cho các đối tượng nhân dịp lễ, tết Nguyên đán.

Ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh trao tiền hỗ trợ quý II năm 2014 cho nạn nhân chất độc da cam huyện Vũ Thư.

Trong quá trình hoạt động, mặc dù gặp không ít khó khăn do nguồn nhân lực hạn chế (chỉ có 4 thành viên, hầu hết đều hoạt động kiêm nhiệm), thế nhưng các thành viên trong Ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh không nản lòng. Với tinh thần trách nhiệm, họ luôn cố gắng làm tròn vai trò bắc nhịp cầu, kêu gọi nhiều hành trình nhân ái về tới những gia đình nạn nhân nặng, có hoàn cảnh éo le.

Tận mắt chứng kiến nỗi đau da cam với những tiếng kêu la đau đớn, sự quằn quại trong hình hài dị biệt cùng sự giằng xé trong nội tâm của những người làm cha, làm mẹ khiến các thành viên Ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh không thể cầm lòng. Với hành trang là tinh thần nhiệt huyết và trái tim nhân ái, họ tiếp tục tìm đến các tấm lòng hảo tâm để mong sao có nhiều hơn nữa những mảnh đời bất hạnh được trợ giúp. Tròn 5 năm, bằng trái tim đồng cảm, Ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh góp phần làm vơi đi nỗi khổ đau của những căn bệnh quái ác do CĐDCgây ra cho các nạn nhân; thực sự là người bạn thân thiết của các nạn nhân trong những bước đường lúc khó khăn của cuộc sống đời thường.

Bà Trần Thị Minh, Trưởng ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động, kêu gọi nguồn lực để số lượng nạn nhân CĐDC được bảo trợ không chỉ dừng ở con số hơn 200”. Với ý nghĩa thiết thực, Ban Bảo trợ nạn nhân nặng tỉnh không chỉ mang niềm vui đến các nạn nhân CĐDC mà còn góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa