Thứ 4, 07/08/2024, 01:24[GMT+7]

Trả lại ánh sáng cho người mù nghèo

Thứ 7, 09/08/2014 | 16:17:16
1,413 lượt xem
Cổ nhân có câu: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Với người già, bị mù lòa sẽ là một nỗi khổ cho bản thân. Nếu ai đó phải sống trong tối tăm chỉ một ngày hẳn sẽ khát khao ánh sáng đến từng giây.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Thái Bình phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Đức

Sau một thời gian chống chọi để giành giật lấy ánh sáng, đôi mắt của cụ Ngô Thị Nhàn (xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, Nam Định) cứ mờ dần đi rồi mờ hẳn. Việc đi lại của cụ trong một căn phòng nhỏ cũng phải dò dẫm từng bước nhờ vịn vào các đồ vật như thành giường, tường nhà... mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ.

Đó là câu chuyện vào năm 2001, khi ấy mặc dù nước ta đã có kỹ thuật khám và mổ đục thủy tinh thể cho những người mù lòa nhưng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của các bệnh nhân ở Hà Nội và bệnh nhân tuyến tỉnh. Hoàn cảnh khó khăn bề bộn của một gia đình nghèo, khiến con cháu chưa thể đưa cụ Nhàn đi Hà Nội chữa bệnh. Được biết ở thị xã Thái Bình đã có bệnh viện chuyên khoa mổ mắt thay thủy tinh thể, người nhà mừng lắm quyết định đưa cụ đi chữa bệnh. Cụ nửa mừng, nửa lo.

Để rút ngắn quãng đường, người nhà chọn phương án đưa cụ sang khám và chữa trị tại Bệnh viện Mắt Thái Bình. Từ nhà đến bệnh viện chỉ có mười ba cây số nhưng phải đi đò qua sông Hồng. Ngày ấy ở nông thôn chưa có dịch vụ taxi nên phải nhờ một người đạp xích lô cừ khôi giúp cho chuyến đi được an toàn, êm ả. Nhưng mới đi được khoảng một phần ba quãng đường thì cụ bị choáng, phải nghỉ một hồi lâu mới tiếp tục đi đến bệnh viện.

Sau khi xem xét giấy tờ, hồ sơ, biết con trai đưa cụ đi khám là bộ đội đang công tác ở Trường Sa về nghỉ phép với thời gian rất hạn hẹp, bác sĩ ưu tiên cho mổ ngay, sau khi đã làm đầy đủ các xét nghiệm. Bệnh nhân chỉ phải đóng viện phí theo quy định của Nhà nước và phải mua màng thủy tinh thể để đặt vào mắt.

Trước khi thực hiện kíp mổ, bác sĩ khám lại lần cuối thì phức tạp mới phát sinh. Bác sĩ bảo: Lần này cụ chỉ có thể mổ được một mắt, chờ khi nào sức khỏe tốt hơn sẽ mổ tiếp. Gia đình đồng ý.

Hốc mắt của cụ quá sâu, nếu sau khi mổ không đặt được màng thủy tinh thể sẽ phải thay bằng đeo kính mắt. Tuy nhiên nó sẽ gây nhiều phiền phức trong sinh hoạt. Phương án này làm người nhà rất lo ngại vì sợ kết quả không khả quan. Sau khi bàn bạc và suy nghĩ, cuối cùng gia đình thống nhất, đồng thuận với ý kiến của bác sĩ. Ca mổ an toàn, khi ra viện bệnh nhân được mua kèm một cái kính đeo mắt với giá tiền chỉ bằng một phần mười giá tiền màng thủy tinh thể.

Ngày ấy cách đây đã mười ba năm mà con mắt của cụ vẫn bình thường, không bị chảy nước, không bị ngứa... Có lúc không đeo kính cụ vẫn đi lại được và vẫn nhìn thấy đồ vật. Khi đeo kính thì độ sáng tăng lên, giúp cho việc sinh hoạt tốt hơn. Tuy nhiên phải giữ gìn vệ sinh tốt, thường xuyên rửa mắt bằng nước mưa hoặc nước muối và nhỏ các loại thuốc thông thường như Cloxit, Ticoldex. Có điều rất mừng là những công việc này cụ đều chủ động làm được.

Năm nay cụ Nhàn đã 99 tuổi. Cụ nói với mọi người: Nhờ các thầy thuốc đã cho tôi sáng lại con mắt đến ngày hôm nay để được nhìn thấy con cháu, thật không còn gì sung sướng bằng. Bây giờ nếu có về với tiên tổ thì tôi cũng mãn nguyện.
Đất nước ngày càng đổi mới, phát triển nên những năm gần đây chương trình mổ mắt, thay màng thủy tinh thể đã về đến tuyến huyện. Đặc biệt có nhiều bệnh nhân được mổ mắt miễn phí. Nhờ vậy mà hạnh phúc đã đến với người nghèo ở nông thôn. Những con mắt mù lòa tối tăm, những mảnh đời bất hạnh đã lại được nhìn thấy ánh mặt trời.

Cổ nhân có câu: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Với người già, bị mù lòa sẽ là một nỗi khổ cho bản thân. Nếu ai đó phải sống trong tối tăm chỉ một ngày hẳn sẽ khát khao ánh sáng đến từng giây. Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế và những ai làm công việc cao quý này. Xin cảm ơn Bệnh viện Mắt Thái Bình.

Nguyễn Văn Nhuận
(Xóm 1, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, Nam Định)

 

  • Từ khóa