Thứ 6, 09/08/2024, 01:24[GMT+7]

Kỳ ngộ giữa trùng khơi

Thứ 3, 23/09/2014 | 08:54:27
2,212 lượt xem
Chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa, tôi ấn tượng nhất với người trưởng đoàn quê ở Hưng Hà. Anh là Thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - người bạn của lính đảo Trường Sa.

Thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân trong chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa.

Ai có dịp tiếp xúc, trò chuyện với Thượng tá Ngô Duy Đỗ đều thấy anh gần gũi và vui tính, giọng nói của anh vẫn mang nét đặc trưng của người con Thái Bình mặc dù gần 30 năm anh xa quê, quen với sóng gió Trường Sa. Phải nói là duyên kỳ ngộ, chẳng hẹn mà gặp được anh giữa trùng khơi như thế. Chuyến công tác của chúng tôi trên tàu HQ 936 luôn vững tin, yên tâm khi có người trưởng đoàn quyết đoán và dạn dày kinh nghiệm như anh.

Tròn một tháng tôi được ở bên anh, lúc trên đảo cũng như khi tàu rong ruổi trong hành trình “mang Tết” ra với quân dân đang thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Đó cũng là dịp hiếm hoi phóng viên chúng tôi được hiểu hơn ký ức những ngày canh đảo của Thượng tá Ngô Duy Đỗ và được đón những cái tết ấm áp tình đồng chí, những phút suy tư về cuộc đời người lính Hải quân tuy xa gia đình nhưng hơi ấm đất liền, hơi ấm của hậu phương vẫn dạt dào.

Năm 1985 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Ngô Duy Đỗ thi đậu Trường Sĩ quan Lục quân 1, chuyên ngành Chỉ huy Binh chủng hợp thành. Sau 3 năm rèn luyện tại trường, anh được điều động về Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân công tác. Tháng 10/1988, chàng sĩ quan trẻ Ngô Duy Đỗ nhận lệnh của Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra làm Chỉ huy trưởng đảo chìm Đá Lát (quần đảo Trường Sa). Hai năm đón tết ngoài đảo cùng anh em chiến sĩ, anh càng thêm yêu biển, yêu cuộc sống của những người lính đảo ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Những buổi chiều trên boong tàu nhìn ánh nắng dát vàng xuống mặt biển, tôi và Thượng tá Đỗ lại có dịp trò chuyện với nhau nhiều hơn. Hai con người, hai thế hệ nhưng cùng sinh ra trên quê lúa Thái Bình nên tâm hồn và suy nghĩ như có sự đồng điệu, cảm thông. Từ ngày lập gia đình rồi định cư ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để tiện cho công việc của hai vợ chồng và các con, anh ít về quê thăm gia đình. Dù xa quê, xa gia đình nhưng vì nhiệm vụ, anh luôn tự nhủ với lòng mình phải luôn nỗ lực cố gắng bởi dù ở đâu, anh cũng cảm nhận được tình quê hương. Anh đọc cho tôi nghe hai câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Nhớ lại quãng thời gian dài công tác ở Trường Sa, Thượng tá Ngô Duy Đỗ tâm sự: “Hơn 20 năm sống ngoài đảo không phải là quãng thời gian ngắn nên giúp tôi hiểu hơn về đảo, quen với cuộc sống nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Từ đảo chìm cho đến đảo nổi, từ Đá Lát, Nam Yết, Sinh Tồn cho đến Song Tử, An Bang, Cô Lin, Len Đao…, tất cả những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa đều để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên. Cuộc sống của những người lính Trường Sa mặc dù thiếu thốn, khó khăn, vất vả nhưng tình đồng chí, đồng đội, tình yêu đất nước đã củng cố niềm tin cho chúng tôi vượt qua mọi thách thức, một lòng quyết tâm bám biển, bám đảo”.

Phút chia tay giữa Đoàn công tác Vùng 4 Hải quân với cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa).

Cái tên “bạn của lính” mà đồng đội gắn cho anh như đã nói lên tất cả. Đã hơn 4 năm không trực tiếp công tác ngoài đảo nhưng Thượng tá Ngô Duy Đỗ vẫn theo tàu đến các đảo, ví như người con trở về quê hương sau những ngày xa cách. Anh không chỉ tận tâm, nhiệt huyết trong nhiệm vụ chuyên môn của mình mà còn luôn quan tâm đến đời sống của anh em chiến sĩ ngoài đảo, nhất là những tân binh lần đầu tiên ra đảo làm nhiệm vụ. Sự bỡ ngỡ, chút lo lắng trước cuộc sống mới luôn là biểu hiện tâm lý của những chiến sĩ lần đầu ra đảo. Chính vì thế, những lời động viên tinh thần, cử chỉ, thái độ ân cần của anh đã giúp chiến sĩ vơi bớt đi nỗi nhớ đất liền, nhân lên niềm vui của nghĩa tình đồng đội, sớm hòa mình trong cuộc sống ở đảo, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cái nhìn tinh tế của người chỉ huy đã được anh tôi luyện trong những năm tháng ở Trường Sa. Đôi khi đơn giản chỉ là cái vỗ vai khích lệ tinh thần tân binh, cái bắt tay, cái ôm ấm áp khi chia tay nhau hay đôi khi chỉ là nụ cười, ánh mắt gửi gắm sự kỳ vọng với những chiến sĩ trẻ trước khi ra đảo làm nhiệm vụ cũng đủ để họ cảm nhận được sự quan tâm và những điều hạnh phúc. 

Chuyến công tác giữa mùa biển động mang theo trọng trách nặng nề của người trưởng đoàn. Có những đêm anh không ngủ vì lo cho sự an toàn của mọi người trên tàu. Giữa nơi biển cả mênh mông, không ai dám thách thức với thiên nhiên, mọi tiên lượng về điều gì đó đều có thể thay đổi bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Lo lắng, trăn trở là thế nhưng anh không bao giờ thể hiện ra gương mặt, anh không muốn mọi người lo lắng. Vận dụng kinh nghiệm những năm đi biển, nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, Thượng tá Ngô Duy Đỗ đã điều hành những chuyến công tác đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa không để xảy ra bất cứ sai sót nào.

Kỷ niệm của tôi về anh không nhiều bởi chúng tôi chỉ gặp gỡ và đồng hành cùng nhau đúng một tháng nhưng cũng đủ để lại trong tôi nhiều ấn tượng về một người chỉ huy luôn coi mình là “bạn của lính”. Trong suy nghĩ của riêng tôi, đó là một nghệ thuật lãnh đạo của những người chỉ huy.

Chiều hôm đó, Thượng tá Ngô Duy Đỗ bồi hồi trước biển, ánh mắt xa xăm dõi về phía các đảo Côn Lin, Len Đao như kiếm tìm những dấu ấn của một thời xa vắng, nơi đong đầy kỷ niệm những năm tháng anh cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên cụm đảo Sinh Tồn. Với anh, hành trình là những chuyến đi - những chuyến đi không bao giờ biết mỏi mệt bởi tình yêu biển, đảo luôn thôi thúc anh ra với Trường Sa.

Những dòng cảm xúc tôi viết về Thượng tá Ngô Duy Đỗ, người chiến sĩ Hải quân lớn lên trên quê hương năm tấn vẫn còn dang dở, xin hẹn một ngày gặp lại anh giữa trùng khơi trên con tàu Hải quân vượt sóng ra với Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Tất Đạt

  • Từ khóa