Thứ 6, 23/05/2025, 20:08[GMT+7]

Hoàn thiện chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống người có công

Chủ nhật, 28/09/2014 | 18:46:19
678 lượt xem
Là cơ quan có quyền lập pháp, Quốc hội luôn dựa vào ý chí, nguyện vọng của nhân dân ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đồng thời thực hiện quyền giám sát tối cao những chính sách đó được các cấp, các ngành thực thi ra sao, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện là gì để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho sát với thực tiễn, góp phần chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người và gia đình người có công.

Đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà bà Lê Thị Sẻ, vợ liệt sĩ Phạm Văn Thắc (thôn Lê Lợi, xã Vũ Lăng, Tiền Hải).

Vừa qua, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện một số chính sách mới ưu đãi người có công với cách mạng tại một số địa phương, đơn vị. Kết thúc đợt giám sát, đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận: Các cấp, các ngành đã làm tốt việc quán triệt chủ trương, chính sách, nhất là những chính sách mới dành cho người có công; thực hiện đồng bộ, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người và gia đình người có công. Công khai, minh bạch tất cả các bước thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, đặc biệt là việc niêm yết công khai kết quả xét duyệt hồ sơ giải quyết chính sách từ cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cùng giám sát việc thực hiện của cán bộ, hạn chế thấp nhất tiêu cực. Do vậy, đến nay toàn tỉnh có trên 341.000 người được thụ hưởng chế độ, chính sách ưu đãi với người có công, 285/286 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, 98,3% số hộ chính sách đạt mức sống từ trung bình trở lên so với mức sống của người dân nơi cư trú.

 Ðể đưa ra được những đánh giá khách quan đó, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh không chỉ nghe, trao đổi, thảo luận tại hội trường mà còn tiến hành khảo sát thực tế tại một số gia đình chính sách; mặc dù còn kiến nghị phải sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc đẩy nhanh việc hỗ trợ nhà ở nhưng người và gia đình người có công đều ghi nhận Quốc hội, Chính phủ đã nghiên cứu ban hành các chính sách mới ưu đãi người có công sát thực tiễn, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện đúng, đủ, chính xác. Bà Lê Thị Sẻ, vợ của liệt sĩ Phạm Văn Thắc (thôn Lê Lợi, xã Vũ Lăng, Tiền Hải) xúc động nói với Ðoàn khảo sát: Mất mát của gia đình không gì có thể bù đắp được nhưng sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, địa phương về cả tinh thần và vật chất đã phần nào xoa dịu nỗi đau, sự mất mát đó”. Còn bà Lại Thị Mít (xã Tân Phong, Vũ Thư) thì chia sẻ: Không chỉ được hưởng đầy đủ chế độ của vợ liệt sĩ, ngày lễ, tết gia đình còn được đón các đồng chí lãnh đạo đến thăm hỏi, trao quà, điều đó đã động viên, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh để tôi dốc lòng thờ chồng, nuôi con, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.    

Ðoàn đại biểu cũng đã nghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đặc biệt là Nghị định số 31/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Các cơ quan, đơn vị cho rằng Nghị định số 31 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2013 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn do vậy các đối tượng là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn chưa được hưởng chế độ theo quy định; văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chưa rõ ràng, cụ thể, chưa đồng bộ, cơ sở khó thực hiện. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chú trọng tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách với người có công; một số cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội trình độ chuyên môn còn hạn chế… cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết chính sách cho người có công.

Ðể hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, nâng cao đời sống người có công, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trước khi ban hành chính sách phải cân đối nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức thực hiện; chính sách phải nhất quán, theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng... Các bộ, ngành cần khắc phục triệt để việc ban hành chậm, thiếu đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người có công; bổ sung thủ tục giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày nhưng không còn lưu giữ được giấy tờ gốc... Ðoàn cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt đợt tổng rà soát đối tượng hưởng chính sách người có công; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội; có chế độ đối với người trực tiếp quản lý các nghĩa trang liệt sĩ.

Ðất nước ngày càng phát triển, chính sách đối với người có công cũng không ngừng được sửa đổi, hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tế, với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ở từng giai đoạn để đền đáp những cống hiến và sự hy sinh của các cá nhân, gia đình có công với cách mạng, để truyền thống quý báu “Uống nước nhớ nguồn” được phát huy, mãi là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thu Hiền

  • Từ khóa