Thứ 7, 03/08/2024, 09:13[GMT+7]

Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi Ðề án nhân văn cần nhân rộng

Chủ nhật, 12/10/2014 | 16:29:43
848 lượt xem
Năm 2011, Thái Bình là 1 trong 7 tỉnh được Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế đầu tư, triển khai thí điểm “Đề án Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Sau 4 năm triển khai, Đề án đã đi vào cuộc sống, thu hút sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng với nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần giúp người cao tuổi (NCT) nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại xã An Hiệp (Quỳnh Phụ).

Bà Nguyễn Thị Phương Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Thái Bình có gần 257.000 NCT, chiếm khoảng 15% dân số, là một trong những tỉnh có tỷ lệ NCT nhất cả nước. Tuổi thọ bình quân chung của người dân là 74,5 tuổi (cả nước là 72,8 tuổi), đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Thái Bình đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh và gặp phải nhiều thách thức khi cuộc sống vật chất của đa số NCT còn gặp nhiều khó khăn, chính sách an sinh xã hội cho NCT còn hạn chế. Khoảng 90% NCT hiện sống ở nông thôn, 70% NCT vẫn tự lao động sản xuất, 72% NCT sống cùng và dựa vào con cháu. NCT phải đối mặt với bệnh tật và tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, trầm cảm... ngày càng tăng, trong khi các thành viên trong gia đình và cộng đồng thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT... Đề án “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2011 - 2015 được UBND tỉnh giao cho Chi cục Dân số - KHHGĐ triển khai với mục tiêu nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT, góp phần giúp NCT nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của NCT trong đời sống cộng đồng. Thực hiện Đề án, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch tổ chức các mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Bước đầu, mô hình được triển khai tại 4 huyện và chọn 9 xã làm điểm. Mỗi xã làm điểm đều thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ ”Người cao tuổi giúp người cao tuổi”. Sau mỗi năm, mô hình lại được mở rộng và đến nay cả 8/8 huyện, thành phố đều đã tham gia với tổng số 23 xã duy trì thực hiện mô hình.

Hàng năm Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hoạt động thiết thực như đăng tải tin, bài, phóng sự về hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT; truyền thông tại các hội nghị, cấp phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về chính sách, pháp luật liên quan đến NCT; tuyên truyền về trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc NCT; tổ chức hội thảo về vai trò của NCT trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng đối với công tác chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần NCT. Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng tổ chức các đợt khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến NCT về thực trạng cuộc sống, nhu cầu hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, đồng thời thành lập mạng lưới tình nguyện viên, trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng cơ bản để họ phát huy vai trò trong chăm sóc NCT tại cộng đồng.

Trong gần 4 năm triển khai Đề án, các xã làm điểm mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng đã được trang cấp các thiết bị chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NCT, cấp phát 35.500 tờ gấp với nội dung hướng dẫn NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích, 2.450 cuốn sách về kiến thức chăm sóc sức khỏe cho hội viên câu lạc bộ của 23 xã triển khai mô hình. Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng đã tập huấn cho gần 400 đại biểu gồm chủ tịch hội NCT, chủ nhiệm câu lạc bộ, cán bộ dân số và hàng trăm tình nguyện viên về kỹ năng truyền thông, tư vấn, về cách thức tổ chức một buổi sinh hoạt câu lạc bộ; trang bị kiến thức về các bệnh NCT thường gặp và cách phòng tránh; cách sử dụng máy đo huyết áp, đèn chiếu tia hồng ngoại và dụng cụ phục hồi chức năng khác. Trung tâm dân số - KHHGĐ huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị y tế, tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho trên 30.000 hội viên các câu lạc bộ NCT giúp NCT, trong đó có 920 cụ mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, 401 cụ có bệnh về xương khớp, 310 cụ có bệnh về mắt và một số bệnh khác...

Theo bà Hoàng Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Đông Hưng, việc chăm sóc sức khỏe NCT luôn gặp nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là thiếu nguồn lực, kiến thức và kỹ năng. Triển khai thực hiện Đề án là cơ hội để công tác chăm sóc sức khỏe NCT khắc phục phần nào những thách thức trên. Ngay từ năm 2011, UBND huyện Đông Hưng đã chỉ đạo các đơn vị y tế, các đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng quan tâm, tham gia vào cuộc chung tay chăm sóc sức khỏe NCT. Tại các xã triển khai mô hình, Đề án được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ủng hộ, NCT được mạng lưới tình nguyện viên là lực lượng cộng tác viên dân số, y tế thôn, cán bộ các hội, đoàn thể, cán bộ y tế về hưu... tư vấn, theo dõi chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tự chăm sóc bản thân, tự luyện tập phục hồi chức năng. Vì vậy công tác chăm sóc sức khỏe NCT được cải thiện rõ rệt.

Ông Phạm Văn Cống, Chủ tịch Hội NCT xã Phong Châu chia sẻ: NCT xã Phong Châu rất phấn khởi khi được tham gia Đề án và ghi nhận Đề án đạt hiệu quả cao, có tính nhân văn sâu sắc. Không chỉ làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong gia đình, xã hội về trách nhiệm chăm sóc NCT, Đề án còn góp phần giúp NTC sống vui, sống khỏe, sống có ích, hạn chế được những khó khăn do tuổi già và phát huy tốt vai trò NCT trong đời sống cộng đồng.

Hà Dung

  • Từ khóa