Thứ 6, 09/08/2024, 22:23[GMT+7]

“Đau đầu” bình xét hộ nghèo

Thứ 2, 20/10/2014 | 14:47:26
1,057 lượt xem
Mỗi dịp cuối năm, khi các thôn, tổ dân phố họp bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo thì đây luôn là chủ đề “nóng” được nhiều người quan tâm. Ai cũng phấn khởi vì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo song nhiều người vẫn băn khoăn cho rằng việc bình xét hộ nghèo còn nhiều điều cần suy nghĩ.

Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ làm nghề thủ công. Trong ảnh: Nghề mây tre đan ở xã Thái Xuyên (Thái Thụy).

Có ông trưởng thôn buồn rầu tâm sự: Cứ đến đợt bình xét hộ nghèo là tôi đau hết cả đầu. Các cuộc họp khác thì vắng, họp xét hộ nghèo thì dân đi đông đủ lắm. Dù đã cố gắng dân chủ, công tâm, thấu tình đạt lý trong giới thiệu, phân tích, biểu quyết, song do danh sách đề cử thì nhiều, chỉ tiêu hộ nghèo có hạn nên không khí buổi bình bầu rất căng thẳng. Mặc dù việc bình xét bám sát tiêu chí quy định, nhưng kết quả biểu quyết không tránh khỏi tư tưởng cả nể, bị tác động tình cảm riêng. Nhiều khi đúng là nhà anh A nghèo hơn nhà anh B, nhưng do anh em, họ hàng ít nên khi biểu quyết vẫn đạt tỷ lệ thấp hơn. Có trường hợp nhà anh C đúng là nghèo nhất thôn nhưng do rượu chè bê tha, hay gây sự với xóm làng nên người dân dù công nhận nghèo cũng không biểu quyết mà bầu cho người khác…

Sau cuộc họp bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, có tình trạng người lần đầu được vào danh sách hộ nghèo thì phấn khởi vì từ nay mỗi tháng “để” ra được “một khoản” từ chính sách ưu đãi. Người năm ngoái trong danh sách hộ nghèo, năm nay tiếp tục “trong danh sách) thì thốt lên: “May quá” vì nhà mình vẫn chưa “bị” thoát nghèo. Ngược lại, không ít người hậm hực ra mặt vì cho rằng rõ ràng nhà mình nghèo mà lại không "được nghèo", hay năm ngoái còn nghèo, năm nay vẫn thế mà lại bị ra khỏi danh sách, chuyển sang hộ cận nghèo. Có người thì nảy sinh tư tưởng tỵ nạnh, ganh ghét với những người được trong danh sách hộ nghèo vì cho rằng hoàn cảnh cũng “xêm xêm như nhau” mà nhà đấy được hưởng ưu đãi, miễn giảm nhiều thứ, nhà mình thì không…

Sở dĩ có hiện tượng “thích” là hộ nghèo, “không thích” thoát nghèo bởi những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm một số khoản đóng góp khi con trong tuổi đi học, được giảm tiền điện sinh hoạt, cấp thẻ bảo hiểm y tế, ưu tiên các khoản cứu trợ, vay vốn phát triển sản xuất, sửa chữa nhà ở… Chính vì vậy, có tình trạng nhiều người không coi nghèo là điều đáng buồn để nỗ lực vươn lên thoát nghèo mà muốn “nghèo mãi” để hưởng ưu đãi. Nhiều người tìm mọi cách để được là hộ nghèo như tách hộ, vận động sự ủng hộ, giấu thu nhập…. Nhiều nơi bình xét hộ nghèo thiếu công tâm gây ra bất bình, hiềm khích, mất đoàn kết trong nhân dân, sứt mẻ tình làng, nghĩa xóm; ý nghĩa chính sách nhân văn, tốt đẹp của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo bớt khó khăn và vươn lên thoát nghèo không còn trọn vẹn.

Thiết nghĩ, để việc bình xét hộ nghèo được chính xác rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền. Cán bộ cơ sở và người dân cần nêu cao trách nhiệm, bình xét đúng tiêu chí để hộ nghèo thực sự có cơ hội cải thiện cuộc sống. Bản thân hộ nghèo cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ, đồng thời nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, đặc biệt phải từ bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ.

Hà Dung

  • Từ khóa