Thứ 7, 03/08/2024, 15:18[GMT+7]

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế

Thứ 3, 21/10/2014 | 08:51:12
1,287 lượt xem
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 4/2013, liên ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội phối hợp tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) ban đầu tại trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đến nay, công việc này đã cơ bản đi vào nền nếp.

Khám bệnh cho người có thẻ BHYT tại Trạm Y tế xã Thụy An (Thái Thụy).

Đồng chí Đỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Triển khai KCB BHYT tại trạm y tế, ngành Y tế đã phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất và nhân lực cho các trạm y tế nhằm chuẩn hóa, phục vụ tốt công tác KCB nói chung, KCB cho người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế nói riêng. Nhiều trạm y tế được xây mới hoặc nâng cấp, đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác KCB. Đối với những trạm y tế chưa có bác sĩ, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế huyện, thành phố phối hợp với các bệnh viện đa khoa trên địa bàn cử bác sĩ luân phiên về tham gia KCB, bảo đảm ít nhất 2 ngày/tuần có bác sĩ về trạm KCB.

Ngoài ra, các trung tâm y tế cũng phối hợp với bệnh viện đa khoa huyện, thành phố tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn theo từng chuyên ngành cho cán bộ y tế xã. Để phục vụ KCB BHYT, bình quân mỗi trạm y tế xã được phê duyệt trên 30% số danh mục kỹ thuật phân cấp cho tuyến xã; 37% số danh mục thuốc phục vụ KCB BHYT. Vì vậy số người có thẻ BHYT tin tưởng đến KCB tại trạm y tế xã ngày càng đông. Nhiều trạm y tế thuộc huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà có số người đến KCB cao, trung bình mỗi tháng có từ 100 đến 200 lượt người có thẻ BHYT đến KCB. Điển hình như Trạm Y tế xã An Thanh (Quỳnh Phụ) KCB cho 551 lượt người/tháng; Trạm Y tế xã An Đồng KCB cho 496 lượt người/tháng...

Việc KCB BHYT ban đầu tại trạm y tế xã, phường, thị trấn dần đi vào nền nếp đã tạo thuận lợi cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nhiều người phấn khởi đăng ký KCB tại trạm y tế vì nắm rõ quyền lợi được chăm sóc khi mắc các bệnh thông thường, trong khi nếu mắc bệnh nặng vẫn được hưởng quyền lợi KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương...

Tuy nhiên, thực tế triển khai KCB BHYT ban đầu tại trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều trạm y tế chưa chủ động thu hút người dân đăng ký KCB BHYT, chưa thu hút người có thẻ BHYT đã đăng ký KCB tại trạm tích cực đến KCB. Bên cạnh những trạm y tế có số lượng người đến khám đông vẫn còn những trạm có số lượt người đến khám thấp, đặc biệt có trạm trung bình 1 ngày chỉ khám từ 1 đến 2 người có thẻ BHYT; cá biệt có trạm vẫn chưa triển khai KCB cho người có thẻ BHYT... Nguyên nhân được xác định là do công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên, liên tục; chất lượng, hiệu quả công tác KCB ở một số trạm còn thấp; một số trạm còn lúng túng trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT; một số bệnh viện đa khoa huyện chưa thực hiện phê duyệt danh mục kỹ thuật phân cấp cho tuyến xã; số danh mục thuốc cấp cho một số trạm còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân...

Để người dân tin tưởng, chủ động, tự nguyện đăng ký KCB BHYT ban đầu tại trạm y tế và để công tác KCB BHYT đạt nhiều kết quả, ngành Y tế xác định cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác KCB tại trạm y tế. Theo đồng chí Đỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, bên cạnh việc phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội và các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người có thẻ BHYT, mở rộng đối tượng tham gia KCB BHYT ban đầu tại trạm, ngành chú trọng chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ y tế, thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn; triển khai tốt các kỹ thuật đã được Sở Y tế, bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố phân cấp.

Bên cạnh đó, ngành cũng có kế hoạch phát triển kỹ thuật mới, bổ sung trang thiết bị cho trạm y tế các xã, phường, thị trấn, đồng thời yêu cầu trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc  thực hiện quy chế chuyên môn trong KCB tại trạm y tế như quy chế thường trực cấp cứu, kê đơn thuốc, hồ sơ bệnh án; thực hiện nghiêm việc tăng cường bác sĩ về trạm đối với những trạm chưa có bác sĩ, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, bảo đảm 100%  trạm y tế có bác sĩ KCB ít nhất 3 ngày trong 1 tuần.

Hà Dung

  • Từ khóa