Chủ nhật, 28/07/2024, 23:36[GMT+7]

Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường ở Kiến Xương

Thứ 4, 22/10/2014 | 08:18:20
1,101 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác BVMT trên địa bàn huyện Kiến Xương có chuyển biến tích cực; ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các địa phương, đơn vị cũng như của người dân từng bước được nâng lên.

Tổ thu gom rác thải thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) hoạt động hiệu quả, góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.

 

Ngay sau khi Nghị quyết số 41 được ban hành, Huyện ủy Kiến Xương đã xây dựng chương trình hành động, UBND huyện đã thông qua đề án, triển khai học tập, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về công tác BVMT; hướng dẫn cách thức BVMT, tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT, cách phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện những hoạt động xâm hại môi trường, vi phạm pháp luật về môi trường.

 

Trong các đợt kỷ niệm hàng năm như Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn..., nhiều hoạt động tuyên truyền được triển khai. Các nội dung liên quan đến BVMT được đưa vào giáo dục nhà trường, thông qua hội thi, hội diễn, xây dựng các mô hình xanh - sạch - đẹp. Tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất thực hiện tốt các quy định về BVMT. Chủ động phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường kiểm tra công tác BVMT của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh chất thải, nước thải. Ngoài ra, huyện cũng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng phương án BVMT cụ thể, phù hợp với tình hình  địa phương. Công tác xã hội hóa BVMT ở các xã, thị trấn trong huyện có nhiều chuyển biến. Các mô hình tự quản được duy trì; hội nông dân, hội phụ nữ đứng ra lo việc thu gom, xử lý rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu dân cư; mô hình “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm” vào ngày 24 hàng tháng, phong trào “5 không, 3 sạch” do hội phụ nữ làm nòng cốt; “ngày thứ Bảy tình nguyện”, “ngày Chủ nhật xanh” của đoàn thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã góp phần từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Ðến nay, 100% các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập tổ, đội vệ sinh tự quản thu gom, vận chuyển rác thải. Toàn huyện có 33 xã có nhà máy, trạm cấp nước đang hoạt động, cung cấp nước sạch cho 63,5% hộ gia đình, góp phần quan trọng cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn, đồng thời làm giảm thiểu các loại dịch bệnh liên quan đến nguồn nước…

 

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác BVMT ở Kiến Xương vẫn còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn chưa được khắc phục. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ, tái chế kim loại ngoài chất thải rắn còn thải ra môi trường các khí độc hại, ô nhiễm tiếng ồn từ các làng nghề đúc, chạm, dệt. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học. Rác thải sinh hoạt của hầu hết các địa phương đã được thu gom nhưng mới chỉ được chôn lấp. Ðến nay 100% các xã, thị trấn đã quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung song do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng nên đã phát sinh các bãi rác ngoài vùng quy hoạch, gần đường giao thông liên huyện, xã gây ô nhiễm môi trường cục bộ… Về nghĩa trang, nhiều xã đang giữ nguyên nghĩa trang cũ, chưa quy hoạch đường đi, cây xanh, rào ngăn thích hợp. Hệ thống thoát nước thải chưa được chú trọng đầu tư, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều xả trực tiếp ra môi trường.  Một bộ phận người dân thiếu ý thức đã “tiếp tay” cho ô nhiễm môi trường khi vứt rác bừa bãi.

 

BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển  kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy để làm tốt công tác BVMT cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm giữa các ngành, đoàn thể, sự đồng tình hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Từ đó, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và hành động trong BVMT, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển bền vững của huyện.

Ðức Dũng

 

  • Từ khóa