Chủ nhật, 11/08/2024, 14:27[GMT+7]

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola

Thứ 4, 29/10/2014 | 08:25:27
732 lượt xem
Bộ Y tế vừa có Công văn số 6925/BYT-DP và UBND tỉnh có Công văn số 3042/UBND-VX về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola trên thế giới, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Dịu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn tỉnh.

Ðồng chí Phạm Văn Dịu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết diễn biến dịch bệnh Ebola trên thế giới và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến đầu tháng 10/2014 toàn thế giới ghi nhận 7.227 trường hợp mắc bệnh Ebola, trong đó 3.372 người tử vong, đặc biệt có 383 nhân viên y tế mắc bệnh và 219 người đã tử vong. Số ca người mắc/tử vong ở 7 quốc gia gồm Guinea 1157/622, Liberia 3696/1998, Sierra Leone 2304/622; số còn lại ở Nigeria, Senegal, Cộng hòa dân chủ Cônggô và tại Mỹ cũng đã xuất hiện ca bệnh Ebola đầu tiên.

 

Về mức độ nguy hiểm thì chúng ta đã rõ bởi tỷ lệ tử vong của Ebola trong các vụ dịch cao, có thể lên đến 90% (hiện nay tỷ lệ tử vong chung là 46,7%). Ðồng thời vi rút Ebola có thể lây truyền từ người sang người hoặc từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể. 

 

Phóng viên: Việt Namon> có nguy cơ bị căn bệnh nguy hiểm này xâm nhập không, thưa đồng chí?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Trong thời đại ngày nay, việc giao lưu giữa các nước trên thế giới rất thuận lợi. Người Việt Namon> có mặt ở tất cả các nước và khách quốc tế ở các nước đang có dịch vẫn đến Việt Namon> thì dịch bệnh Ebola có thể xâm nhập bất cứ quốc gia nào, Việt Namon> chúng ta cũng không loại trừ. Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới nhận định, nguy cơ Ebola xâm nhập vào Việt Namon> là có thể nhưng nguy cơ bùng phát dịch là rất thấp nếu chúng ta làm tốt các biện pháp phòng ngừa.

 

Phóng viên: Vậy trên địa bàn tỉnh ta có trường hợp nào cư trú là lao động xuất khẩu trở về hoặc người nước ngoài nhập cảnh từ các quốc gia Tây Phi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Ebola?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Chưa có người nước ngoài từ vùng dịch vào Thái Bình nhưng trong số 42 người là công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch thì có 5 người từ Liberia về Thái Bình vào ngày 23/8/2014, cư trú ở 2 huyện trong đó Thái Thụy có 4 người, Hưng Hà có 1 người.

 

Ngay khi nhận được thông báo của Cục Y tế dự phòng về số người Thái Bình trở về từ vùng dịch, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với trung tâm y tế các huyện triển khai các hoạt động giám sát, phòng ngừa dịch theo quy định. Trong đó đã trực tiếp liên hệ với các đối tượng, hỗ trợ thuốc khử trùng cho gia đình và tư vấn cùng phối hợp theo dõi sức khỏe của họ. Các gia đình và đối tượng trở về từ vùng dịch đều có sự phối hợp tốt với các đơn vị y tế, trong thời gian theo dõi, cả 5 người đều khỏe mạnh và không có biểu hiện của bệnh.

 

Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh Ebola nguy hiểm như vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo như thế nào và ngành Y tế đã thực hiện những biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Thực hiện Công điện số 1392/CÐ-TTg ngày 9/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch Ebola, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương tham mưu xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch xâm nhập và sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.

 

Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã có Kế hoạch số 544/KH-SYT ngày 11/8/2014 về việc tăng cường phòng, chống dịch Ebola trong đó tập trung vào hoạt động giám sát dịch chủ động. Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất để dự phòng và điều trị dịch bệnh Ebola. Ðồng thời các cơ sở y tế thực hiện việc chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi hoặc xác định người đó bị nhiễm bệnh Ebola. Ngành Y tế tổ chức thường trực công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola theo quy định, chỉ đạo các đơn vị kiện toàn các đội phòng, chống dịch cơ động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cần thiết. Các cơ quan thông tin truyền thông chủ động đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và những khuyến cáo cần thiết để người dân không hoang mang, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo, đồng thời các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ, thông tin, báo cáo theo quy định.

 

Phóng viên: Công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn được ngành triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta sẽ căn cứ vào từng tình huống cụ thể mà trong Kế hoạch về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Ebola đã đặt ra, trong đó tập trung vào ba tình huống, phương án cụ thể sau. Phương án I: Khi chưa ghi nhận ca bệnh Ebola tại Thái Bình, ngành Y tế triển khai tuyên truyền, tập huấn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Phương án II: Khi xuất hiện các ca bệnh nhiễm vi rút Ebola tại Thái Bình sẽ tập trung triển khai khoanh vùng xử lý, dập tắt không để dịch bùng phát. Phương án III: Nếu dịch lây lan có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng sẽ triển khai tổng thể các biện pháp và huy động toàn xã hội tham gia dập dịch.

 

Tùy theo mỗi tình huống, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh sẽ có những phương án và điều động, huy động nguồn lực cụ thể, phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí và gây hoang mang trong nhân dân.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hà Dung (thực hiện)

 

  • Từ khóa