Thứ 5, 29/05/2025, 13:18[GMT+7]

Xưởng đóng giầy đặc biệt

Thứ 4, 29/10/2014 | 08:34:11
3,716 lượt xem
Thiết kế ra những đôi giầy không theo một kích thước, khuôn mẫu, hình dáng nào, thế nhưng nó lại mang đến cho những bệnh nhân phong nhiều thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là những sáng tạo hữu ích của người thợ đóng giầy ở làng phong Văn Môn (xã Vũ Vân, Vũ Thư).

Sản xuất giầy ở làng phong Văn Môn.

Những chiếc giầy “đặc chủng”

Làng phong Văn Môn là nơi sinh sống của những người mắc bệnh phong, với tổng cộng 4 khu gồm: khu điều hành, khu bệnh nhân phong nội trú, khu trung tâm kỹ thuật, khu làng phong. Bệnh tật khiến họ cụt chân, cụt tay, khiếm thị, khiếm thính... Do sự hủy hoại của căn bệnh đặc thù, những bàn chân, bàn tay của bệnh nhân phong không được phát triển trọn vẹn. Điều này đã khiến cho các bệnh nhân gặp phải khá nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Xuất phát từ hoàn cảnh ấy, cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội Cứu trợ phong Hà Lan, xưởng đóng giầy làng phong Văn Môn đã được thành lập năm 2001.

Hình ảnh gây ấn tượng đối với mỗi người khi đến thăm xưởng đóng giầy ở đây, đó là không có chiếc giầy nào giống chiếc giầy nào. Cái thì cao cổ, cái thì trũng gót, cái thì lệch đế, có những đôi rất khó nhận ra hình thù đâu là gót, đâu là bàn chân... Anh Nguyễn Cao Quang, người có thâm niên làm nghề này hơn 10 năm cho hay, để có đôi giầy vừa chân, mỗi bệnh nhân phải đến để đo kích thước khá tỉ mỉ, đặc biệt những người có đôi chân dị dạng nặng (cụt hết bàn chân chỉ còn gót) thì công việc đóng giầy cầu kỳ hơn rất nhiều. Trước tiên phải bó bột vào chân bệnh nhân rồi đánh dấu đầu giầy, gót giầy, bên trái, bên phải, tên, tuổi cụ thể sau đó để cho khô rồi tháo bột đó ra để lấy mẫu đó làm kích cỡ thiết kế đôi giầy cho bệnh nhân. Để giúp chúng tôi hình dung rõ hơn công việc này, anh Quang mang ra những đôi giầy có chiếc to chiếc nhỏ không đều nhau. Rồi anh giải thích, do hai chân của bệnh nhân bị bệnh phong hủy hoại mức độ khác nhau nên thành ra thợ giầy phải thiết kế chiếc to, chiếc bé, chiếc cao, chiếc thấp, bên dày, bên mỏng... Ngoài đóng giầy thì thợ ở đây cũng kiêm luôn cả việc đóng dép và lắp chân, tay giả. Công đoạn đóng dép cũng phức tạp không kém. Khi bệnh nhân phong đến, thợ bảo họ đi đi, lại lại vài vòng để kiểm tra kiểu đi của bệnh nhân, phác họa nhanh trong đầu kiểu dép phù hợp nhất.

Khi đi tham quan xưởng, chúng tôi phát hiện ra những bản vẽ bàn chân “khách hàng” được ghi rất cẩn thận tên, tuổi của bệnh nhân, tình trạng bệnh ra sao, bàn chân còn nguyên vẹn hay dị tật, dị tật cấp độ nào, còn cảm giác hay mất cảm giác, đánh dấu trước, sau... Hỏi ra mới biết, đó là những thiết kế được sản xuất theo "toa" của bác sĩ điều trị dành cho những bệnh nhân mà bàn chân vẫn đang tiếp tục còn bị tổn thương và đau đớn do bệnh phong gây ra. Anh Quang cho biết, một đôi giầy thường phải làm trong 1,5 ngày mới hoàn tất, còn đối với những đôi giầy đặc biệt cần đổ chân giả như thế này thì phải mất từ 7 - 10 ngày.

Làm nghề bằng tình thương

Để gắn bó với nghề này lâu dài đòi hỏi người thợ cần có tấm lòng đồng cảm và sẻ chia với bệnh nhân. Sơ Đa Minh, một người thợ chuyên đảm nhiệm công việc ban đầu cho bệnh nhân tâm sự: “Có trực tiếp đo vẽ, thiết kế những đôi giầy, đôi dép cho từng bệnh nhân mới thấu hiểu được đôi giầy, đôi dép quan trọng với bệnh nhân phong đến thế nào. Với họ, đôi giầy như là vật bảo vệ, nâng đỡ cho đôi chân tật nguyền, giúp họ xoa dịu đi những nỗi đau. Có lẽ, điều mà các bệnh nhân cần nhất đó là sự quan tâm, chia sẻ với họ”. Anh Nguyễn Văn Sáng, người thợ gắn với làng phong này đã hơn mười năm cho hay, ngày mới vào đây làm việc các anh, các chị đã phải chịu khá nhiều thái độ kỳ thị của người đời. Họ nghĩ rằng, các anh, các chị tiếp xúc với bệnh nhân ở đây sẽ mang bệnh lây sang những người xung quanh”... Một số thành viên làm nghề ở đây cũng đã từng bị những người thân gia đình cản trở. Nhưng rồi bằng sự vận động và giải thích khoa học về bệnh lý của các bệnh nhân nên mọi định kiến đã bị đẩy lùi.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với những thợ đóng giầy ở đây thì bất chợt có giọng nói yếu ớt từ bên ngoài vọng vào: “Cán bộ ơi, chữa giúp bà cái dép này cái. Rõ khổ! Mấy ngày nay ốm quá chưa xuống được”. Ngay lập tức, Sơ Đa Minh chạy ra dắt bà ngồi vào ghế rồi vừa đi lấy thước, giấy, bút để đo chân, vừa an ủi động viên bà. Qua tìm hiểu, bà là Phạm Thị Kha (65 tuổi), quê ở xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ). Bà Kha vào đây sống từ năm 1980, ba ngón chân tại bàn chân trái của bà đã bị cụt hết, cả bàn chân sần sùi, cong vẹo, còn bàn chân phải thì đã bị cụt hết ngón. Bà Kha bộc bạch: “Nếu không có các cán bộ đóng giầy ở đây giúp thì thân già như chúng tôi không biết phải sống như thế nào nữa. Chiều chiều buồn muốn tìm nhau hóng mát tâm sự cảnh già mà không có chiếc giầy, chiếc dép này thì chỉ ngồi trong nhà, buồn nẫu ruột...”.

Tiến Chính

(Đông Hòa, thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa