Thứ 2, 01/07/2024, 01:20[GMT+7]

Tiên Nữ đón bình minh

Chủ nhật, 02/11/2014 | 17:29:32
1,079 lượt xem
Trong chuyến hành trình vượt sóng ra với quân và dân huyện đảo Trường Sa, cái tên đảo Tiên Nữ đã làm bao người vấn vương. Khi nhắc đến đảo chìm Tiên Nữ, chắc hẳn ai cũng hình dung đến một nàng tiên giáng trần đẹp lung linh, huyền ảo như trong những câu truyện cổ tích mà tuổi ấu thơ bà vẫn kể cho nghe mỗi đêm hè.

Một góc đảo Tiên Nữ (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Tùng

 

Tiên Nữ đẹp đúng như cái tên của nó, hòn đảo nhỏ được tạo nên từ vành san hô kỳ bí như miếng cẩm thạch giữa lòng đại dương bao la. Ðảo Tiên Nữ có diện tích nhỏ, nằm trong quần đảo Trường Sa. Những ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống Trường Sa vẫn thường gọi Tiên Nữ là “mắt biển” bởi cạnh đảo còn có ngọn đèn biển tồn tại hàng thập kỷ.

 

Ðến với Tiên Nữ, được nghe câu chuyện cổ tích về nàng tiên giáng trần cứu giúp những người dân biển, được nghe chuyện kể về hai hòn đá mồ côi vẫn sừng sững giữa muôn vàn sóng biển, thách thức những con sóng dữ dằn muốn cuốn phăng mọi thứ ra với đại dương. Câu chuyện càng làm nó thêm phần quyến rũ, kích thích sự tò mò của những ai chưa một lần đến với đảo nhỏ.

 

Ðược đón bình minh trên đảo là một điều lý thú. Ngày mới, mặt trời đỏ rực ló dần trên màn nước biển, tỏa những tia nắng đầu tiên xuống mặt biển khơi. Tiên Nữ tự hào được đắm mình trong những ánh ban mai đầu tiên của buổi bình minh trên Tổ quốc Việt Namon> thân yêu.

 

Nhìn từ xa, đảo Tiên Nữ trầm mình trong không gian vô cùng của biển cả. Không mướt xanh màu bàng vuông, dừa nước, phong ba như những hòn đảo nổi, cũng không rộng dài bãi cát những sáng bình minh để thỏa sức bách bộ trong nắng như ở đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết… nhưng Tiên Nữ duyên dáng trong màu xanh nước biển, vành san hô ẩn hiện dưới lòng đại dương. Vẻ đẹp ấy toát lên sự dịu dàng của đảo, ẩn sâu bên trong là sức sống trường tồn với Trường Sa. Ngọn đèn biển chỉ cách đảo hơn ba hải lý cũng hiên ngang, sừng sững soi đường cho những ngư dân vươn khơi, bám biển, tìm về trong những ngày giông bão.

 

Trong vai trò chiến lược về phát triển kinh tế biển, đảo chìm Tiên Nữ lại có một sứ mệnh đặc biệt. Là đảo nằm xa đất liền hơn 750km về phía Ðông Nam, đảo Tiên Nữ là lá chắn sườn phía Ðông và Ðông Nam của Tổ quốc và cũng là vị trí chiến lược nhằm kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng không những của nước ta mà còn của cả khu vực. Một lần được đến đảo Tiên Nữ, đến với những người lính hải quân kiên cường bám biển, giữ cho “con đường tơ lụa” trên Biển Ðông được bình yên như nối nhịp cầu hợp tác, hữu nghị của Việt Nam với bạn bè khắp năm châu, bốn biển.

 

Khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại đảo Tiên Nữ, chúng tôi bồi hồi cảm xúc xen lẫn với bâng khuâng. Giữa khoảng trời tưởng chừng chỉ có nắng, gió và vị mặn mòi của biển khơi lại điểm thêm một chút nhỏ nhoi của màu xanh của cỏ cây, hoa lá. Nhìn cây bàng vuông nhỏ bé mà sức sống mãnh liệt, xanh mơn man trong khoảng đất chật hẹp được gửi ra từ đất liền. Ở Tiên Nữ, mỗi hòn đá, cái cây đều mang trong mình một câu chuyện kỳ bí về cuộc đấu tranh sinh tồn với tự nhiên. Có lẽ, cái tên Tiên Nữ đặt cho hòn đảo nhỏ cũng bắt nguồn từ đó.

 

Ngọn hải đăng Tiên Nữ vẫn tỏa sáng trong đêm, cây bàng vuông vẫn tắm mình trong nắng sớm, người lính hải quân vẫn hiên ngang đứng gác, canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nếu ai một lần đến Trường Sa, hãy ghé thăm Tiên Nữ để cảm nhận vẻ đẹp nơi tuyến đảo tiền tiêu.

Tất Đạt

 

  • Từ khóa