Thứ 5, 08/08/2024, 19:12[GMT+7]

Thực hiện Ðề án 343 Giúp phụ nữ tự tin hội nhập

Thứ 3, 18/11/2014 | 08:26:04
925 lượt xem
Thành công bước đầu sau 4 năm thực hiện là mục đích, ý nghĩa của Ðề án 343 đã lan tỏa rộng khắp đến chi, tổ, hội phụ nữ và cộng đồng. Ðến nay, 100% cán bộ Hội Phụ nữ các cấp và trên 90% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HÐH đất nước và đã có 90% cán bộ Hội, 70% hội viên từng bước thay đổi hành vi.

Phần thi của xã Ðông Quang tại hội thi Phụ nữ Ðông Hưng tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang cùng nhân dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đỗ Hiền

 

Không chỉ làm tròn bổn phận “xây tổ ấm”, nhiều nữ doanh nhân trong tỉnh còn “gánh trọn 2 vai” là người dâu hiền, vợ đảm, làm kinh tế giỏi như chị Vũ Thị Suốt, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, chị Vũ Thị Thà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư và Xuất nhập khẩu Thăng Long… Ðó là những đại diện cho người phụ nữ hội tụ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang” - 4 phẩm chất đạo đức cốt lõi mà phụ nữ Việt Nam phấn đấu rèn luyện trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HÐH) đất nước. Và đó cũng là mục tiêu hướng tới của công tác phụ nữ thời gian qua, được cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện Ðề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Namon> thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước” (Ðề án 343).

 

Trong 4 phẩm chất của phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước thì tự tin được đặt lên hàng đầu. Bởi lâu nay phần lớn chị em vẫn còn mang nặng tư tưởng mặc cảm, tự ti. Ðiều này làm hạn chế sự phấn đấu vươn lên của chị em, cũng là yếu tố cản trở chị em tham gia vào công việc xã hội hoặc công tác quản lý, lãnh đạo. Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân, không chạy theo lối sống buông thả, thực dụng mà đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Ðảm đang có nghĩa là không chỉ giỏi tề gia nội trợ mà còn phải là người “giỏi việc nước” làm việc hiệu quả, năng suất, chất lượng, biết sắp xếp hài hòa hợp lý công việc gia đình và xã hội. Còn trung hậu là trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ; sống nhân ái, vị tha, biết cảm thông chia sẻ với người khó khăn, biết quan tâm đến lợi ích của cộng đồng…

 

Xác định rõ điều đó, 4 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Ðề án 343 cấp tỉnh đã triển khai nội dung Ðề án tới 100% cơ sở hội, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về phẩm chất người phụ nữ thời hiện đại thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, qua cuộc thi viết về “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Không dừng lại ở đó, 4 phẩm chất đã được Ban Chỉ đạo Ðề án 343 tuyên truyền, giáo dục rộng khắp trong tỉnh thông qua các hoạt động truyền thông: in ấn, phát hành hàng nghìn tài liệu tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở và phát hành tới chi, tổ phụ nữ; in ấn tờ rơi phát hành tới các cấp Hội Phụ nữ; phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền hoạt động triển khai, kết quả thực hiện Ðề án tại địa phương và đưa nội dung Ðề án trong bản tin tuyên truyền làm tư liệu sinh hoạt hội viên tại cơ sở.

 

Ý nghĩa sâu sắc của 4 phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HÐH còn được các cấp Hội thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa tại các hội thi: “Phụ nữ nông thôn duyên dáng, sáng tạo xây dựng nông thôn mới” (Hưng Hà), “Phụ nữ Ðông Hưng Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang cùng nhân dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới”; tổ chức liên hoan dân ca đã thu hút đông đảo chị em, nhân dân tham gia cổ vũ, thông qua đó ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ðặc biệt, nhiều cơ sở hội đã thành lập, duy trì các câu lạc bộ: “Người phụ nữ mới”, “Phụ nữ 4 chuẩn mực”. Qua các hoạt động tuyên truyền, chị em phụ nữ càng hiểu sâu sắc và vận dụng sáng tạo 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HÐH đất nước trong cuộc sống, thể hiện qua nhiều phương thức, mô hình giúp đỡ chị em phát triển kinh tế và tổ chức cuộc sống gia đình như các câu lạc bộ: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”… gắn với các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ”…

 

Thành công bước đầu sau 4 năm thực hiện là mục đích, ý nghĩa của Ðề án 343 đã lan tỏa rộng khắp đến chi, tổ, hội phụ nữ và cộng đồng. Ðến nay, 100% cán bộ Hội Phụ nữ các cấp và trên 90% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HÐH đất nước và đã có 90% cán bộ Hội, 70% hội viên từng bước thay đổi hành vi.

Phương Chi

  • Từ khóa