Thứ 5, 01/08/2024, 09:12[GMT+7]

Xã hội hóa chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị người bệnh tâm thần

Thứ 4, 19/11/2014 | 08:01:55
1,200 lượt xem
Ðề án “Xã hội hóa chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị người bệnh tâm thần” bước đầu được thực hiện hiệu quả, thể hiện tính nhân văn, được người nhà bệnh nhân quan tâm, đồng thuận. Bệnh nhân được chăm sóc toàn diện về y tế nên sức khỏe cơ thể, sức khỏe tâm thần cải thiện nhanh, hạn chế hành vi gây hại, giúp người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Điều dưỡng Trương Thanh Tùng điều trị bệnh ngoài da cho bệnh nhân Nguyễn Đức Thắng

 

Tìm hiểu việc triển khai thực hiện thí điểm Ðề án “Xã hội hóa chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị người bệnh tâm thần”, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh hướng dẫn tôi đến thăm khu điều trị bệnh nhân xã hội hóa gồm 50 giường bệnh với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, khám chữa bệnh. Nhân lực gồm 13 cán bộ, trong đó có 3 bác sĩ, 7 điều dưỡng, 3 hộ lý, 2 cán bộ được phân công trực tiếp đón tiếp, hướng dẫn người nhà bệnh nhân làm các thủ tục khám và nhập viện.

 

Từ ngày 21/4/2014, Bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân điều trị theo Ðề án. Bệnh nhân ở khu điều trị xã hội hóa đều do gia đình người bệnh tự nguyện làm đơn đề nghị bởi lý do hoàn cảnh neo đơn, bận mải công tác không có điều kiện bố trí thời gian phục vụ người bệnh dài ngày, không biết chăm sóc người bệnh đúng cách, có bệnh nhân được đưa đến nhập viện khi phát bệnh mà không còn người thân phục vụ... Ngoài thực hiện đúng quy định về công tác khám chữa bệnh, bệnh nhân được các bác sĩ, điều dưỡng viên thay người nhà chăm sóc toàn diện như giúp vệ sinh cơ thể ít nhất một lần/ngày, cắt tóc, cạo râu bảo đảm gọn gàng, sạch sẽ; phục vụ ăn uống phù hợp yêu cầu dinh dưỡng từng người bệnh với 3 bữa ăn/ngày…

 

Ðến phòng chăm sóc bệnh nhân tại khu điều trị bệnh nhân xã hội hóa, chúng tôi được chứng kiến điều dưỡng Trương Thanh Tùng đang kiên nhẫn vệ sinh và bôi thuốc điều trị bệnh ngoài da cho bệnh nhân Nguyễn Ðức Thắng (thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương). Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Văn Côn, Trưởng khu điều trị cho biết: Bệnh nhân Thắng 52 tuổi, bị bệnh tâm thần lâu năm, nhập viện và được gia đình gửi chăm sóc tại khu điều trị xã hội hóa cách đây một tháng, nay bệnh đã cơ bản ổn định. Song cũng như nhiều bệnh nhân tâm thần khác, do khi ở nhà bệnh nhân không ý thức vệ sinh cơ thể sạch sẽ và không được chăm sóc đúng cách, vì vậy mắc bệnh ngoài da khá nặng. Hàng ngày, ngoài điều trị bệnh tâm thần, các thầy thuốc còn tích cực giúp bệnh nhân giữ gìn vệ sinh cơ thể và điều trị bệnh ngoài da. Khi hỏi chuyện, bệnh nhân Thắng đã tự trả lời đúng quê quán và bộc bạch, vì gia đình neo người, trước đây mỗi khi phát bệnh được gia đình chuyển điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (đơn vị đi đầu thực hiện xã hội hóa chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị người bệnh tâm thần), đi lại khó khăn, tốn kém. Nay được chăm sóc điều trị toàn diện tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, vừa gần nhà vừa được chăm sóc ân cần, được ăn ngon nên không chỉ ổn định sức khỏe mà anh còn tăng cân.

 

Hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Xiêm (xã Ðông Vinh, Ðông Hưng) có con gái là Nguyễn Thị Cúc, 30 tuổi đang điều trị tại khu điều trị bệnh nhân xã hội hóa, bà Xiêm không giấu được niềm vui khi so sánh với những lần đưa con đi viện trước kia. Bệnh viện Tâm thần chuyển đến khu mới (khu trung tâm y tế, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) rộng rãi, thoáng đãng, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp khác hẳn bệnh viện cũ nên cả người nhà, người bệnh đều thấy thoải mái. Lần vào viện trước chưa có khu điều trị bệnh nhân xã hội hóa, gia đình bà neo người lại phải cắt cử trông bệnh nhân nên nhiều khi rất bí bách. Do tuổi cao, quen nếp sống ở quê, việc hàng ngày phải tự đi mua sắm phục vụ ăn uống, chăm sóc cho bệnh nhân rất vất vả, tốn kém. Lần này đưa con nhập viện, được Bệnh viện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị theo Ðề án xã hội hóa, được chăm sóc chuyên nghiệp, khoa học, việc ăn uống, vệ sinh còn tốt hơn ở nhà, chi phí giảm, bà rất yên tâm, ở nhà tập trung lo việc đồng áng, thỉnh thoảng lên viện thăm con.  

 

Theo bác sĩ Ngô Văn Côn, do đặc điểm bệnh nhân tâm thần nhập viện ở giai đoạn bệnh nặng, thường phủ nhận bệnh, sa sút sức khỏe, có suy nghĩ, hành vi kỳ dị; việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiều khi gặp nguy hiểm vì bệnh nhân không hợp tác, thậm chí đuổi đánh bác sĩ, điều dưỡng viên và người nhà. Tại khu điều trị xã hội hóa, bệnh nhân được chăm sóc, nuôi dưỡng khoa học, có ý thức hợp tác trong chữa trị bệnh, hiệu quả điều trị cao hơn khi điều trị tại gia đình. Trong 6 tháng qua, đã có 130 bệnh nhân được đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị theo Ðề án xã hội  hóa, trong đó có 88 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 21 bệnh nhân rối loạn phân liệt. Ðã có 90 bệnh nhân được điều trị ổn định và xuất viện. Người lưu điều trị thời gian ít nhất 1 tháng, nhiều nhất 3 tháng. Trong 6 tháng không có bệnh nhân tử vong. Hiện còn 40 bệnh nhân đang tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị tại khu điều trị xã hội hóa.

 

Ðề án “Xã hội hóa chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị người bệnh tâm thần” bước đầu được thực hiện hiệu quả, thể hiện tính nhân văn, được người nhà bệnh nhân quan tâm, đồng thuận. Bệnh nhân được chăm sóc toàn diện về y tế nên sức khỏe cơ thể, sức khỏe tâm thần cải thiện nhanh, hạn chế hành vi gây hại, giúp người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Người nhà bệnh nhân không còn phải lo lắng, lúng túng khi bố trí nghỉ việc thời gian dài phục vụ người bệnh tại bệnh viện, giúp họ yên tâm, tập trung lao động sản xuất. Ðể tiếp tục thực hiện Ðề án, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh và sinh hoạt cho bệnh nhân, đồng thời mong muốn được UBND tỉnh bố trí kinh phí mua máy phục hồi chức năng phục vụ bệnh nhân; hỗ trợ tiền ăn cho người bệnh vì phần đông bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo...  

Hà Dung

  • Từ khóa