Thứ 7, 03/08/2024, 03:27[GMT+7]

Họp Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ 5, 27/11/2014 | 21:15:51
789 lượt xem
Chiều ngày 27/11, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2014, kế hoạch đào tạo năm 2015. Đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

                      

Năm 2014 theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án, dự kiến trên địa bàn tỉnh có khoảng 33.800 người được tuyển sinh dạy nghề ở các cấp trình độ, trong đó trình độ cao đẳng nghề 2.200 người, trình độ trung cấp nghề 5.000 người, trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 26.600 người. Theo chỉ tiêu kế hoạch, số lao động được tuyển sinh hỗ trợ dạy nghề năm 2014 là 13.200 người, trong khi đó dự kiến đến hết năm chỉ có khoảng 8.600 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, đạt 65% kế hoạch giao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh dự kiến đến hết năm 2014 đạt 39%, tăng khoảng 2,5% so với năm 2013.

 

Mục tiêu cơ bản năm 2015 sẽ hỗ trợ học sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng của Đề án 1956 cho khoảng 10.000 lao động nông thôn góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 41,5%; hỗ trợ cho 70 người khuyết tật học sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng theo Quyết định số 1019 của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 400 cán bộ công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

 

Sau ý kiến đóng góp của các thành viên trong Ban Chỉ đạo về công tác triển khai dạy nghề, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cũng như một số khó khăn tồn tại cho lao động nông thôn tại các huyện, thành phố, kết luận cuộc họp đồng chí Cao Thị Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự cố gắng trong công tác đào tạo nghề của các huyện, thành phố thời gian qua nhất là trong việc duy trì và thực hiện tương đối bài bản công tác đào tạo; số lượng và chất lượng lao động đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh một số kết quả đạt được, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần phải khắc phục: các cơ sở dạy nghề đầu tư cơ sở vật chất nhiều nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; bộ máy của các trung tâm chưa mở được các lớp đào tạo nghề mà mới chỉ liên kết đào tạo để mở tại xã; việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa gắn kết với nhau; việc sử dụng vốn của các đơn vị không theo mục đích đề ra nên phải điều chuyển nhiều lần; danh mục dạy nghề chưa bám sát với thực tế.

 

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2015 có hiệu quả, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ cần rà soát lại các cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh để có hướng phân bổ vốn hợp lý; đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành đánh giá nhu cầu đào tạo nghề của xã hội để đưa ra danh mục cần đào tạo; các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn và mua sắm cơ sở vật chất.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa