Chủ nhật, 30/06/2024, 23:29[GMT+7]

Hướng tới loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ

Thứ 2, 01/12/2014 | 10:52:19
2,334 lượt xem
Tại Thái Bình, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và toàn ngành Y tế đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và biện pháp, là một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014.

Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và bà mẹ mang thai.

 

“Hướng tới loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ vào năm 2015” là một trong những mục tiêu chính do Ðại hội đồng Liên hợp quốc đề ra tại hội nghị cấp cao về phòng, chống HIV/AIDS tháng 6/2011. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu này và cũng đã xác định loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ vào năm 2015 là một trong những mục tiêu chủ yếu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tại Thái Bình, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và toàn ngành Y tế đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và biện pháp, là một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014.

 

Theo bác sĩ Ðỗ Huy Giang, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS: Tình hình lây nhiễm HIV ở Thái Bình vẫn có nguy cơ gia tăng. Ngoài ra, Thái Bình còn có hàng nghìn phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV. Do HIV/AIDS là căn bệnh chưa có thuốc chữa trị, vì vậy cách tốt nhất vẫn là phòng tránh lây nhiễm, trong đó việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên kịp thời. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 30 em bị nhiễm HIV (chiếm khoảng 30%). Nhưng nếu được can thiệp, điều trị kịp thời và đúng cách, tỷ lệ này có thể giảm rất nhiều và chỉ còn dưới 3%. Hiện nay, liệu pháp điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là điều trị ARV) là biện pháp điều trị hữu hiệu đang được áp dụng rộng rãi.

 

Các can thiệp cần được tiến hành là tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV sử dụng ARV để phòng lây truyền từ mẹ sang con, đồng thời thực hiện sinh đẻ an toàn, cho trẻ ăn sữa thay thế sữa mẹ. Trong các hoạt động trên thì tư vấn xét nghiệm tự nguyện đóng vai trò đặc biệt quan trọng để từ đó có những chỉ định can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất đối với các trường hợp mang thai nhiễm HIV. Ðể tránh tình trạng phụ nữ mang thai nhiễm HIV phát hiện nhiễm HIV muộn, nhiều trường hợp chỉ phát hiện vào lúc chuyển dạ sinh con, làm cản trở việc cứu trẻ khỏi bị lây nhiễm HIV từ mẹ, vì vậy phụ nữ nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần phải biết tình trạng nhiễm HIV của mình bằng cách tiếp cận sớm với tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, từ đó được điều trị ARV kịp thời và con của họ khi sinh ra được điều trị ARV và nuôi dưỡng phù hợp.

 

Ðể dự phòng và loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả, công tác phòng, chống được triển khai thực hiện đầy đủ 4 hợp phần của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện. Trong đó tập trung vào làm giảm sự lây truyền HIV trong phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để kịp thời can thiệp toàn diện các biện pháp dự phòng đối với mẹ và con để ngăn chặn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ. Thời gian qua Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tăng cường triển khai nhiều biện pháp như tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, các cộng tác viên, đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng.

 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai thiếu thông tin, thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên không chủ động tìm kiếm dịch vụ. Một trong những nguyên nhân như sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngại tiếp cận các dịch vụ và nếu có thì cũng ở giai đoạn muộn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Vì vậy, để đề phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và “Hướng tới loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ vào năm 2015” không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các bà mẹ mang thai mà còn cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và cả cộng đồng.

Đức Anh

Tính đến 30/10/2014:

 

- Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trong toàn tỉnh là 4.427 người.

- 3.570 người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống, trong đó có 46 trẻ em và  893 người là phụ nữ và đa số đang trong độ tuổi sinh đẻ.

  • Từ khóa