Thứ 7, 28/12/2024, 02:48[GMT+7]

Chiếc bánh chưng đặc biệt

Thứ 7, 03/01/2015 | 15:59:14
1,649 lượt xem
Từ xa xưa, bánh chưng, bánh giầy đã trở thành tinh hoa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có cặp bánh chưng cùng với mâm ngũ quả, đôi câu đối… để tưởng nhớ về nguồn cội. Hàng nghìn năm văn hiến đã trôi qua nhưng chiếc bánh chưng vẫn hiện diện trong cuộc sống của mỗi người Việt Nam trong đời sống hiện đại.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông gói bánh chưng đón tết.

 

Bánh chưng được làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh và thịt lợn. Thành phần, gia vị làm nên chiếc bánh cũng có câu chuyện dân gian xung quanh nó. Chính vì thế, nồi bánh chưng rền nhừ, quyện với màu xanh và vị thơm của lá dong tối 30 tết là không gian đầm ấm để các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau đón chờ thời khắc giao thừa, tiễn năm cũ, đón năm mới, chúc nhau những lời ý nghĩa, hứa hẹn một năm sung túc, yên vui.

 

Ở đất liền là thế, ngoài đảo xa, hương vị tết cũng đậm đà chẳng kém. Chiếc bánh chưng ở Trường Sa ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Dẫu có xa xôi cách trở muôn trùng nhưng cứ đến tết ai mà không nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ được thầy cô kể chuyện bánh chưng, bánh giầy hay những tối 30 tết co mình bên bếp lửa hồng, xuýt xoa đôi bàn tay lạnh trước hơi ấm từ nồi bánh chưng đón chờ giây phút bố mẹ cho chiếc bánh chưng nhỏ xinh làm quà. Những kỷ niệm ấy chỉ đến khi người ta đi xa quê hương, xa cái tết bó bện nghĩa tình làng nghĩa xóm mới thấy quý những gì đã qua. Chiếc bánh chưng xanh gói bằng lá bàng vuông hòa quyện hương vị đất liền với vị mặn mòi của biển khơi, chiếc bánh chưng của Trường Sa là thế.

 

Tết sớm trên đảo không khí thật rộn ràng. Dù năm nào đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa cũng mang theo những món quà từ đất liền, trong đó không thể thiếu lá dong, lạt giang, gạo nếp, đỗ xanh… nhưng đối với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thì chiếc bánh chưng xanh được gói bằng lá bàng vuông là ẩm thực không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Bởi ẩn chứa trong chiếc bánh vuông vức, xinh xắn ấy là hồn thiêng dân tộc, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của Trường Sa. Và sâu sắc hơn, chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông còn là lời nhắc nhở mỗi người lính Hải quân: “Thực túc binh cường”. Dù khó khăn chống chọi với khí hậu khắc nghiệt nhưng mầm xanh trên tuyến đảo tiền tiêu vẫn vươn ra biển khơi.

 

Ngồi dưới tán cây bàng vuông đang mùa trổ hoa, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông đang tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, rục rịch đón tết sớm. Những chiếc lá dong xanh được anh em chiến sĩ nâng niu cẩn thận bởi ở ngoài đảo lá dong là nguyên liệu hiếm, mỗi dịp giáp tết có đoàn công tác ra thăm mới có. Nhưng cũng có năm khí hậu khắc nghiệt, những chiếc lá dong sau bao ngày quăng quật trên tàu khi đến đảo lá  đã ngả vàng. Thế nên, bên cạnh những chiếc bánh chưng được gói bằng lá dong thì còn có những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông.

 

Trong khoảng sân nhỏ, tiếng nói cười rộn ràng của những người lính trẻ như xua tan tiếng sóng ầm ào. Những chiếc bánh chưng xanh được xếp ngay ngắn vào nồi chờ nổi lửa. Chiều xuống nhanh trên đảo, đốm lửa chập chờn theo gió. Những bài hát về biển đảo quê hương, về những người lính kiên cường lại được cất cao trong màn đêm Trường Sa, thổi bùng lên ngọn lửa của ý chí quyết tâm của những người chiến sĩ coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

 

Nguyễn Tùng – Tất Đạt

  • Từ khóa