Chủ nhật, 25/05/2025, 16:23[GMT+7]

“Yêu thương, chăm sóc bệnh nhân phong như cha mẹ”

Thứ 5, 15/01/2015 | 09:25:24
1,391 lượt xem
Đó là một trong những lời khen chan chứa sự yêu mến, hàm ơn và nể phục của những người bệnh phong tại Khu nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện, Khoa Phong - Da liễu, Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn dành cho những điều dưỡng, hộ lý nơi đây.

Bệnh nhân phong được các điều dưỡng, hộ lý chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ.

 

Đến Khu nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện - nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 100 bệnh  nhân phong tàn tật nặng, dừng chân tại một buồng bệnh, chúng tôi thấy cả 4 cụ bà đều đã cao tuổi, bị cùi tay, cùi chân, mù mắt do di chứng của bệnh phong, không thể tự đi lại, chăm sóc bản thân. Đang giờ ăn trưa của bệnh nhân, hình ảnh hộ lý Hoàng Thị Gái kiên nhẫn giúp các cụ ăn, động viên các cụ ăn nhiều để bảo đảm sức khỏe… thật cảm động. Sang buồng bệnh khác, các điều dưỡng, hộ lý cũng đang nhẫn nại với công việc của mình. Trời se lạnh mà trán các chị lấm tấm mồ hôi. Chúng tôi cảm nhận rõ sự vất vả nhưng cũng thầm nể phục tinh thần hết lòng vì người bệnh của các chị.

  

Cụ Hà Thị Vải, một trong những bệnh nhân phong nặng, luôn trìu mến khi nói chuyện với các điều dưỡng, hộ lý và lạc quan, tươi cười khi trò chuyện với chúng tôi. Năm nay cụ đã 86 tuổi, gắn bó với Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn từ năm 1959 nên luôn coi nơi đây là quê hương, coi Bệnh viện là nhà, coi các bác sĩ, y tá là người thân của mình. Cụ tâm sự: Chúng tôi thật may mắn khi được các thầy thuốc ở đây dành tình yêu thương, kiên nhẫn chăm sóc như chăm sóc cha mẹ mình. Nhiều khi thương chúng tôi thiếu thốn, nhà có quả chuối, tấm bánh, các chị cũng mang vào mời chúng tôi cùng ăn. Dù không tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân được song chúng tôi ai cũng sạch sẽ, sống khỏe mạnh được đến giờ là nhờ y đức của các chị. Cụ Triệu Thị Đào, 82 tuổi, quê Hà Nội, vào viện từ năm 1958 thì cảm động chia sẻ: Tôi bị mù từ lâu, cụt tay, cụt chân nên việc ăn uống hàng ngày đều do các hộ lý phục vụ; việc tắm giặt, vệ sinh cá nhân các chị cũng không nề hà. Không phải con cháu mà các chị phục vụ chúng tôi còn hơn cả con cháu…

 

Chị Đào Thị Nhuần, Điều dưỡng trưởng của Khoa cho biết: Khu nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện hiện có 108 người bệnh phong bị tàn tật nặng, trong đó có 52 bệnh nhân rất nặng (32 nữ, 20 nam); có duy nhất 1 người “trẻ” 59 tuổi nhưng lại mắc thêm bệnh tâm thần, còn lại đều từ 75 tuổi đến 94 tuổi. Hầu hết các cụ bị cụt tay, chân, mặt mũi biến dạng, đi lại khó khăn hoặc không thể di chuyển. Nhiều cụ bị mù và mắc các bệnh nặng khác, có cả bệnh ung thư. Hàng ngày, 8 chị em (2 điều dưỡng, 6 hộ lý) phân công nhau chăm sóc toàn diện, từ vệ sinh nhà cửa, giúp người bệnh vệ sinh cá nhân đến việc cho ăn uống, chăm sóc khi đau ốm. Công việc vất vả thường xuyên song ai cũng nỗ lực hết mình, chăm sóc người bệnh như chăm sóc người thân. 8 chị em điều dưỡng, hộ lý đa số đều có thời gian công tác tại Khoa từ 10 - 18 năm nên gắn bó và hiểu rõ tính nết của từng cụ. Nhiều cụ do bệnh tật, tuổi già nên bị lẫn hoặc rất khó tính nên việc chăm sóc rất vất vả. Chị Nhuần chia sẻ: Nhớ lời Bác Hồ dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền”, chúng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, cố gắng hơn nữa, đồng thời xác định việc chăm sóc các cụ không chỉ với tinh thần trách nhiệm mà còn bằng cả tình yêu thương. Chúng tôi cũng xác định mình không làm hết giờ rồi về mà phải hết việc mới về để chăm sóc các cụ tốt nhất có thể. Điểm thuận lợi là nhà các chị đều gần cơ quan, người xa nhất cũng chỉ 3km, vì vậy dù không phải ca trực song hễ cứ có bệnh nhân ốm đau cần hỗ trợ thì dù đang đêm các chị cũng có mặt. Do đặc thù bệnh tật, điều dưỡng, hộ lý nơi đây gắn bó với bệnh nhân từ năm này sang năm khác, vì vậy luôn có tình cảm thương yêu, gần gũi, gắn bó thân thiết.

 

Nói về y đức tại Khu nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện, bác sĩ Nguyễn Thị Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn đánh giá cao tinh thần vì người bệnh của đội ngũ điều dưỡng, hộ lý nơi đây. Tình thương yêu của các chị đã giúp nhiều người vượt qua nỗi đau bệnh tật, góp phần cùng tập thể Bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Hà Dung

  • Từ khóa