Thứ 5, 08/08/2024, 00:19[GMT+7]

Hành trình lập thân, lập nghiệp

Thứ 2, 19/01/2015 | 10:19:59
704 lượt xem
Sau nhiều năm “sôi kinh nấu sử” trên giảng đường đại học với hy vọng khi ra trường sẽ tìm được một công việc phù hợp với trình độ chuyên môn thế nhưng có những bạn trẻ đang phải đối diện với nhiều gian nan trên con đường tìm việc làm, mưu sinh. Ngược lại, có nhiều bạn chọn học nghề hoặc sau khi học xong đại học trở về quê lập nghiệp và đã thành công.

Trang trại của anh Bùi Hoàng Quốc Việt, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Hòa Bình (Vũ Thư) thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

 

Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học địa phương vào giữa năm 2012 với tấm bằng loại khá, Nguyễn Thị Hương (xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ) tự tin mình sẽ tìm được một công việc thích hợp. Nào ngờ, hơn một năm đi “gõ cửa” nhiều cơ quan, công ty, Hương nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu với câu trả lời quen thuộc: “Ở đây đủ người rồi”. Không có việc làm thì tiền đâu trả nợ ngân hàng (do gia đình khó khăn, để có tiền đóng học phí suốt 4 năm đại học, bố mẹ Hương đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội). Hương đành ngậm ngùi đi phụ bán cà phê, tiếp thị sản phẩm, bán thức ăn nhanh tại một số cửa hàng, thậm chí làm các công việc thời vụ như phục vụ đám cưới, quán ăn, giao hàng vào những dịp lễ, tết... Thời gian lặng lẽ trôi, câu chuyện muôn nẻo tìm việc vẫn giậm chân tại chỗ, cô quyết định mở một shop bán hàng online. Nhưng hiện nay, các shop bán hàng online mọc lên như nấm, các mặt hàng đa dạng, người mua kén hàng, bám trụ và tồn tại không phải dễ.

 

Ngược lại với Hương, nhiều bạn trẻ khác lại xác định được con đường lập thân, lập nghiệp của mình là làm giàu trên chính quê hương. Một trong số đó là anh Bùi Hoàng Quốc Việt, sinh năm 1987, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Hòa Bình (Vũ Thư). Năm 2009, khi biết xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất trũng ở khu cánh đồng thôn Thống Nhất sang xây dựng vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, anh bàn bạc với gia đình nhận đấu thầu trên 2ha. Từ nguồn vốn của gia đình kết hợp vay mượn của anh em, bạn bè, anh đầu tư 500 triệu đồng xây dựng 3 dãy chuồng rộng 400m2, đào 3 ao thả cá, diện tích còn lại trồng cây keo, bạch đàn... Thời gian đầu, do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và chưa có kinh nghiệm nên việc xây dựng và phát triển mô hình gặp rất nhiều khó khăn.Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, kiên trì tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình khác trong và ngoài tỉnh, hiện nay trang trại đã đi vào ổn định, hàng năm xuất ra thị trường trên 2.000 con gà thịt, 3.000 con vịt, 3 - 4 tấn cá, hàng chục tấn lợn thịt mang lại thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động là thanh niên địa phương với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2014, anh Việt vinh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của (giải thưởng dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc).

 

formulas>

 

Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm tại huyện Hưng Hà. Ảnh: Thiên Ân.

 

Sát cánh cùng các bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp là tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên. Như một người bạn thân thiết, những năm qua, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” nhằm tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương bằng những việc làm thiết thực như: phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước; hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, đưa các chương trình hỗ trợ để tạo nguồn cho thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế. Các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm được các cấp bộ đoàn, hội quan tâm, trọng tâm là tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên và hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế…

 

Quá trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên luôn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành của tổ chức đoàn, hội, qua đó góp phần tạo động lực giúp các bạn trẻ phấn đấu vươn lên, phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Năm 2014, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh đã:

  • Tổ chức 49 hoạt động tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho 26.950 đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên
  • Tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho 6.870 đoàn viên thanh niên
  • Tư vấn xuất khẩu lao động cho 22.500 thanh niên
  • Tổng dư nợ vốn vay phát triển kinh tế trong thanh niên do tổ chức đoàn tín chấp đạt 163,5 tỷ đồng với 16.334 thanh niên được vay vốn

Xuân Phương

  • Từ khóa