Chủ nhật, 19/05/2024, 06:28[GMT+7]

Quy hoạch, phát triển mạng lưới chợ nông thôn ở Thái Thụy

Thứ 3, 16/11/2010 | 14:30:57
3,081 lượt xem
Từ bao đời nay, chợ luôn gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của người dân nông thôn. Với nhiều người, chợ không chỉ để buôn bán, trao đổi hàng hoá mà còn là nơi giao lưu văn hoá.

Chợ quê. Ảnh: Đoàn Phi Hải

Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở Thái Thụy những năm qua, việc giao lưu, mua bán trao đổi hàng hoá ở các địa phương không ngừng tăng lên và đi kèm với đó thì hệ thống mạng lưới chợ nông thôn cũng cần phải được đầu tư nâng cấp, cải tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

 

Thái Thụy hiện có 34 chợ nông thôn xây dựng trên diện tích trên 90.700m2 với khoảng 3.800 điểm kinh doanh thường xuyên và hơn 6.000 điểm kinh doanh không thường xuyên.

 

Hệ thống chợ trong toàn huyện ngày càng được củng cố, hạ tầng từng bước được cải tạo, nâng cấp, chất lượng hoạt động được nâng lên, đáp ứng tốt nhu cầu giao lưu, buôn bán của nhân dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế nông thôn. Hầu hết các chợ đều tổ chức hoạt động theo hình thức khoán chiếm khoảng 90%, còn lại 10% hoạt động theo mô hình tự quản.

 

Ước tính, bình quân mỗi năm nguồn thu từ chợ trong toàn huyện đạt  gần 1 tỷ đồng, nộp ngân sách cho Nhà nước từ 600 đến 700 triệu đồng. Chỉ tính riêng từ năm 2004 đến nay, Nhà nước và các địa phương cũng đã đầu tư gần 4,2 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn. Trong đó, có 5 chợ được xây mới  với tổng vốn  2,446 tỷ đồng, 20 chợ được nâng cấp cải tạo.

 

Điển hình như xã Thụy Phong đã tích cực tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ 1tỷ đồng của Nhà nước, trích thêm nguồn ngân sách đầu tư xây dựng chợ Hồ khang trang, kiên cố với tổng vốn 1,6 tỷ đồng. Chợ Mỹ Lộc được Nhà nước đầu tư 1 tỷ đồng xây mới, đang hoàn thiện các hạng mục công trình dự kiến cuối năm sẽ bàn giao cho địa phương để sử dụng.

 

Tuy nhiên thực tế hiện nay, hầu hết các chợ ở Thái Thụy đều có quy mô nhỏ, tất cả là các chợ loại II, loại III và chợ tạm. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, chỉ khoảng 10% được xây dựng kiên cố, 70% bán kiên cố, còn lại xây dựng tạm bợ, lều quán lụp sụp.

 

Hơn thế, nhiều địa phương vẫn chưa bố trí được quỹ đất  để quy hoạch chợ nên làm hạn chế nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của người dân, không thúc đẩy được KT-XH phát triển. Toàn huyện vẫn còn 8 chợ có diện tích dưới 1.000m2, nơi không có chợ hoặc xa trung tâm chợ thì họp chợ tự phát làm mất trật tự ATGT, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Chợ Từ Đường ( xã Thụy Dân ) là một ví dụ. Với diện tích chỉ vẻn vẹn có 200m2 nằm trọn trong khu dân cư thôn An Tiêm, các gian hàng xuống cấp, sau mỗi lần họp chợ đều gây ô nhiễm môi trường do nước thải và rác thải ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. UBND xã đã quy hoạch một khu đất 2.000m2 để xây dựng chợ mới nhưng ngặt nỗi chẳng biết lấy vốn ở đâu ra nên dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

 

Hay như chợ Gú, xã Thụy Lương, tuy diện tích lớn 2.400m2 nhưng nằm giáp ranh với thị trấn Diêm Điền, giữa khu dân cư đông đúc nên lượng người mua bán rất đông. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhiều năm nay vẫn chưa được cải tạo nâng cấp, chợ chủ yếu buôn bán mặt hàng hải sản tươi sống không chỉ tạo mùi  hôi mà nước thải trực tiếp chảy xuống sông Gú nên đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân khu vực xung quanh.

 

Cũng qua tìm hiểu ở các địa phương, một thực tế phổ biến hiện nay là mặc dù biết chợ xuống cấp, hoặc chưa quy hoạch được vị trí nhưng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế còn đang đợi nguồn đầu tư thì chính quyền xã cũng không biết lấy nguồn kinh phí đâu ra để nâng cấp, cải tạo và xây mới.

 

Mặc dù mỗi năm, Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí cho một số xã xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn nhưng với số vốn ít ỏi, lại không có vốn đối ứng nên cũng chẳng thấm tháp gì.

 

Thái Thụy xác định, trong quá trình phát triển KT-XH từ nay đến năm 2015, mạng lưới chợ trên địa bàn toàn huyện  vẫn là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân nên đã quy hoạch phát triển chợ lên con số 42, trong đó 1 chợ đầu mối, 5 chợ loại I, 11 chợ loại II, 26 chợ loại III với tổng nguồn vốn đầu tư cần khoảng 30 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn thì huyện cần phải gắn quy hoạch chợ với quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn, tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ của Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng. Tạo mọi cơ chế khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế, tổ chức đầu tư xây dựng chợ theo, siêu thị trung tâm thương mại theo hình thức BOT, có như vậy quy hoạch trở thành hiện thực, tạo động lực thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

 

Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày