Chủ nhật, 25/05/2025, 19:30[GMT+7]

Công tác hòa giải ở Dũng Nghĩa

Thứ 3, 03/02/2015 | 18:13:36
758 lượt xem
Trong những năm qua, Dũng Nghĩa là xã điển hình tiêu biểu của huyện Vũ Thư làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở. Với 4 tổ hòa giải, 45 hòa giải viên là trưởng các ngành, MTTQ, đoàn thể và cá nhân có uy tín tại địa phương, mỗi khi thôn làng có “chuyện” thì họ là những người đầu tiên có mặt.

Làm đường giao thông tại thôn Trà Động, xã Dũng Nghĩa.

 

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải tại Dũng Nghĩa, ông Nguyễn Văn Thụ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được Đảng ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo sâu sát, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Bên cạnh việc thường xuyên kiện toàn, tập huấn nghiệp vụ cho các tổ hòa giải; thành viên các tổ hòa giải đã tích cực, hăng hái hoạt động, không quản ngày đêm để giúp giải tỏa những mâu thuẫn trong nhân dân. Thành công trong xây dựng nông thôn mới tại Dũng Nghĩa hôm nay có vai trò quan trọng của các tổ hòa giải tại khu dân cư và Ban hòa giải xã”.

 

Ông Đỗ Khắc Tú, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Trà Đông cho biết: Năm 2014, triển khai làm đường giao thông trong thôn, hai gia đình ông Đỗ Văn D và ông Nguyễn Văn K, do một số vướng mắc phát sinh trong đời sống hàng ngày nên khi thôn triển khai làm đường, hai giai đình không đồng thuận hiến đất. Tổ hòa giải đã phân công Chi hội trưởng Phụ nữ, Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Người cao tuổi gặp gỡ trao đổi, khơi dậy tình làng, nghĩa xóm và chủ trương chung của thôn về xây dựng nông thôn mới chính là làm đẹp cho quê hương, thuận tiện trong lưu thông... Qua thời gian ngắn hai gia đình nhận ra sự thiệt hơn và tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông trong thôn.

 

Ông Đỗ Ngọc Thuấn, Trưởng thôn Trà Đông, Tổ phó Tổ hòa giải thôn kể cho chúng tôi về một vụ mâu thuẫn dẫn đến xô xát xảy ra trong đêm đầu năm 2014, bắt nguồn từ việc tranh chấp mốc giới bờ ao giữa gia đình chị Đỗ Thị M và gia đình em rể là Vũ Trọng Kh. Ngay từ khi xảy ra sự việc, các thành viên Tổ hòa giải thôn đã có mặt, phối hợp giữ ổn định tình hình. Sau đó, gia đình chị M đã viết đơn tố cáo lên chính quyền. Nắm rõ nguyên nhân và nhận thấy vụ việc có thể được giải quyết thông qua hòa giải, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy, Ủy ban MTTQ xã, Chi bộ thôn, Tổ hòa giải đã bàn bạc, thống nhất phương án: thuyết phục người có uy tín để vận động, đó là anh Đỗ Văn L - người thân của hai gia đình, dùng việc chung là con trai anh L sắp cưới để hàn gắn tình cảm... Với sự thuyết phục của anh L, hai gia đình đã nhận ra sai sót của mình. Vụ việc trên đã được nhân dân trong thôn đánh giá cao sự vào cuộc hiệu quả của tổ hòa giải.

 

Năm 2014, với những cách làm sáng tạo, 4 tổ hòa giải tại các thôn đã tham gia giải quyết thành công 15/15 vụ việc mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong nhân dân. Không có vụ việc nào để nhân dân làm đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp, qua đó tình làng nghĩa xóm ngày thêm đoàn kết; 4/4 thôn đạt “Khu dân cư văn hóa”, 88% gia đình đạt “Gia đình văn hóa”.

 

Lương Thế Lộc

(Ủy ban MTTQ tỉnh)

  • Từ khóa