Thứ 6, 26/07/2024, 14:20[GMT+7]

Ngành Y tế Tích cực thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

Thứ 3, 10/02/2015 | 09:01:31
1,027 lượt xem
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật BHYT sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 với nhiều điểm mới liên quan đến công tác khám chữa bệnh. Phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế về việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân.

 

Phóng viên: Thưa đồng chí, Luật BHYT sửa đổi được dư luận xã hội quan tâm. Theo đồng chí lý do là gì?          

 

Đồng chí Đỗ Thanh Giang: Luật BHYT sửa đổi được dư luận xã hội quan tâm vì có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Theo đó, Luật BHYT sửa đổi vẫn tiếp tục bảo đảm tính chất xã hội của BHYT, đó là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện với sự quan tâm tham gia của người dân. Song so với Luật BHYT năm 2008, Luật BHYT sửa đổi có một số thay đổi theo chiều hướng tạo thuận lợi trong khám chữa bệnh (KCB) và thu hút người dân tham gia BHYT. Những điểm thay đổi đó quan trọng và có tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ chế pháp lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT, tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số điểm mới của Luật BHYT sửa đổi có tính đột phá, liên quan đến công tác KCB?

 

Đồng chí Đỗ Thanh Giang: Luật BHYT sửa đổi quy định mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT và mức hưởng BHYT khi đi KCB, giảm gánh nặng chi phí, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách. Ví dụ: Luật BHYT sửa đổi bỏ quy định cùng chi trả đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia đóng BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…

 

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể mức hưởng BHYT đối với các trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến; bổ sung quy định quỹ BHYT có thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tại nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, Luật có quy định mở thông tuyến KCB BHYT. Đây là quy định hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế...

 

Phóng viên: Để thực hiện nghiêm và hiệu quả Luật BHYT sửa đổi, ngành Y tế cần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Đỗ Thanh Giang: Ngành Y tế cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp với BHXH tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương huy động sức mạnh của toàn xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, công dân về BHYT, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT trong toàn ngành nhằm thực hiện hiệu quả Luật BHYT sửa đổi, bảo đảm an sinh xã hội trong sự phát triển ổn định bền vững, tiến tới BHYT toàn dân như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 

Cụ thể, ngành Y tế tiếp tục triển khai lộ trình đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Nghiên cứu, lựa chọn các phương thức thanh toán BHYT phù hợp. Phối hợp với các sở, ngành, Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn, giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc như đăng ký KCB ban đầu, phát hành thẻ, chuyển tuyến, thủ tục thanh toán... Chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012, Chương trình 527/CT-BYT ngày 18/6/2009 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng KCB sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế và bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 3/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngành cũng tăng cường sự phối hợp liên ngành, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về BHYT; đẩy mạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 13/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại cơ sở KCB. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đóng và hưởng BHYT; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BHYT.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Đồng chí Lại Đức Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi như: tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến các điểm mới của Luật tới toàn thể cán bộ, viên chức nhằm bảo đảm nắm rõ và thực hiện nghiêm ngay từ khi Luật có hiệu lực. Bệnh viện cũng tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng KCB; chú trọng tuyên truyền giải thích cho người bệnh bằng nhiều hình thức; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; cải tiến quy trình thanh toán, quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT…

Đồng chí Lương Văn Sơn, Trưởng Trạm Y tế xã Đông Minh, huyện Tiền Hải

Cán bộ Trạm Y tế đã chủ động cập nhật văn bản, chính sách mới; chú trọng chất lượng phục vụ, đồng thời tích cực tuyên truyền những điểm mới của Luật BHYT để người dân hiểu rõ quyền lợi của mình khi đến KCB. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó chủ động xây dựng bảng biểu hướng dẫn, treo ở nơi dễ thấy nhất, trong đó chỉ dẫn ngày, giờ khám, thủ tục và một số lưu ý khi KCB BHYT tại trạm y tế xã, được người dân đồng tình cao.

 

Hà Dung (thực hiện)

  • Từ khóa