Thứ 5, 08/08/2024, 00:16[GMT+7]

Ðoàn kết, đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững

Thứ 4, 25/02/2015 | 08:37:37
890 lượt xem
Trong niềm vui chung cùng cả nước mừng Ðảng, mừng xuân Ất Mùi, cán bộ, nhân viên ngành Y tế Thái Bình lại có niềm vui riêng mừng kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam và đón nhận phần thưởng cao quý - Huân chương Ðộc lập hạng Ba của Ðảng và Nhà nước trao tặng. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Dịu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế về những thành tựu nổi bật của ngành Y tế Thái Bình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và làm việc tại Trạm Y tế xã Tân Phong (Vũ Thư).

 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thành tựu nổi bật của ngành Y tế Thái Bình trong chặng đường 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Thực hiện lời dạy của Bác ngày 27/2/1955: “Lương y phải như từ mẫu”, cán bộ ngành Y tế Thái Bình đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ của thời kỳ đầu hòa bình lập lại và chặng đường kháng chiến chống đế quốc xâm lược, đáp ứng yêu cầu phục vụ kháng chiến, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần cùng quân dân cả nước thực hiện thành công mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong thập kỷ đầu tiên thống nhất đất nước (1975 - 1985), ngành Y tế Thái Bình tập trung thực hiện các nội dung hoạt động theo Chỉ thị 226/CT-TW ngày 17/11/1976 của Ban Bí thư Trung ương: “Y tế phục vụ sản xuất đời sống, quốc phòng, phục vụ nhân dân lao động, phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hoạt động theo hướng y học dự phòng, kết hợp tây y với đông y, dựa vào quần chúng, lấy tự lực là chính, đồng thời tranh thủ sự viện trợ và mở rộng hợp tác quốc tế về y tế”. Thời kỳ này, ngành Y tế Thái Bình cũng triển khai hiệu quả 10 nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng nền tảng công tác dự phòng và khám chữa bệnh (KCB). Ðây cũng là thời kỳ tỉnh xây dựng các bệnh viện với quy mô lớn như Bệnh viện Việt Namon> - Bungari, các bệnh viện tuyến huyện, các phòng khám, trạm y tế.

 

Bước sang thời kỳ đổi mới đến nay, ngành Y tế Thái Bình đã có bước phát triển đột phá, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các trạm y tế được nâng cấp; trung tâm y tế huyện, thành phố ra đời, hoạt động cả lĩnh vực dự phòng và điều trị. Mạng lưới y tế được đầu tư và mở rộng, nhiều bệnh viện được xây mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc ngày càng hiện đại; kỹ thuật y tế ngày càng tiên tiến. Nhận thức của người dân và cộng đồng về sức khỏe ngày càng được nâng cao, sức khỏe nhân dân được cải thiện. Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các tổ chức quốc tế và cộng đồng thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hàng năm, nhiều đơn vị, cá nhân trong ngành được nhận các danh hiệu và phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước, đặc biệt năm 2015, ngành Y tế Thái Bình vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng Ba. Ðây chính là động lực để toàn ngành tiếp tục đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

 

Phóng viên: Bước sang năm 2015, ngành Y tế Thái Bình đặt ra phương hướng, mục tiêu hoạt động như thế nào?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Năm 2015, ngành Y tế Thái Bình tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, điều trị và chất lượng các dịch vụ y tế; tăng cường đầu tư nâng cấp các trạm y tế ở những địa bàn khó khăn, đông dân, xa trung tâm. Ðẩy mạnh và nâng cao chất lượng KCB bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở; quản lý chặt giá thuốc và chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...

 

Phóng viên: Ðể thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu trên, ngành Y tế tập trung thực hiện giải pháp gì, thưa đồng chí?

 

Ðồng chí Phạm Văn Dịu: Ngành Y tế tập trung thực hiện các giải pháp sau: Tăng cường cung ứng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ động giám sát, phòng chống dịch; đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh môi trường. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giảm tải bệnh viện như đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của đội ngũ cán bộ y tế; phát triển kỹ thuật mới, nâng cấp trang thiết bị, phân tuyến và sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền; tăng cường công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành; đẩy mạnh hoạt động phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý chặt chẽ về giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh; củng cố, nâng cao vai trò và tổ chức hoạt động của hội đồng thuốc; nâng cao chất lượng hệ thống sản xuất, kinh doanh, cung ứng thuốc; thực hiện lộ trình đạt GPs theo quy định của Bộ Y tế. Ngành cũng tăng cường các hoạt động thông tin y tế; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế huy động tối đa các nguồn hỗ trợ từ trung ương, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; tăng cường năng lực quản lý ngành và cải cách hành chính y tế nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hà Anh (thực hiện)

 

  • Từ khóa