Chủ nhật, 04/08/2024, 21:23[GMT+7]

Tiếng hát át nỗi đau

Thứ 2, 09/03/2015 | 10:56:02
626 lượt xem
Sinh ra không được may mắn như người bình thường song những con người giàu nghị lực ấy vẫn quyết tâm vượt lên số phận. Hàng ngày, họ dùng lời ca, tiếng hát để quên đi nỗi đau tật nguyền, sống có ích cho mình và cho xã hội.

Đoàn nghệ thuật nhân đạo biểu diễn tại hội nghị tổng kết công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Thái Thụy.

 

Nhiều năm nay, người dân ở một số vùng quê trong tỉnh đã quen với hình ảnh những nghệ sĩ không chuyên bước tập tễnh hay ngồi trên xe lăn biểu diễn các tiết mục văn nghệ, ảo thuật. Họ là những nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam, người khuyết tật đến từ Đoàn nghệ thuật nhân đạo thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Thái Thụy. Được thành lập từ cuối năm 2013, ban đầu chỉ có vài người nhưng đến nay Đoàn đã có 10 người tham gia. Các thành viên chủ yếu là nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam có năng khiếu về ca nhạc. Đoàn nghệ thuật nhân đạo ra đời không chỉ nhằm giúp những người khiếm khuyết về hình thể có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn là cơ hội giúp họ mở rộng mối quan hệ, thoát khỏi vỏ bọc tự ti, hòa nhập cộng đồng.

 

Ông Phạm Văn Long, Trưởng đoàn nghệ thuật nhân đạo cho biết: Bản thân tôi cũng như các bạn khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam luôn muốn làm việc gì đó bằng chính sức lao động của mình. Do điều kiện sức khỏe hạn chế nên chúng tôi quyết định chọn con đường ca hát. Đó là lý do để chúng tôi tập hợp thành lập Đoàn nghệ thuật nhân đạo. Chính những lời ca, tiếng reo hò, cổ vũ từ khán giả đã trở thành nguồn động lực giúp chúng tôi quên đi nỗi đau tật nguyền, vững tin đi tiếp trên con đường phía trước còn nhiều khó khăn. Sự động viên của khán giả đã khích lệ các thành viên trong Đoàn hoàn thiện mình, mang các tiết mục hay hơn nữa đến với khán giả. Trung bình mỗi tháng Đoàn tổ chức khoảng 20 buổi diễn phục vụ các hội nghị, ngày hội đại đoàn kết toàn dân hay biểu diễn ở các địa phương.

 

Với nội dung hấp dẫn, các tiết mục biểu diễn của Đoàn là những bài ca ca ngợi quê hương, đất nước và một số vở diễn nói về di chứng của chất độc da cam từ đó giúp khán giả có cái nhìn sâu sắc, chân thực nhất về thảm họa da cam và nỗi đau mà con cháu của người lính thời hậu chiến phải chịu đựng. Với khát khao, mong muốn được giao lưu, hòa nhập với cộng đồng và có thêm thu nhập cho chính mình, không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội, lời ca, tiếng hát của những nghệ sĩ nghiệp dư dần đi sâu vào lòng người bằng cảm xúc riêng. Đoàn nghệ thuật nhân đạo đã vẽ nên mảng màu mới cho cuộc đời nghệ sĩ không chuyên để từ đó họ sống lạc quan hơn, yêu đời hơn.

 

Chị Nguyễn Thị Hoàn (31 tuổi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ) chia sẻ: Gần hai năm trước, vì quá khó khăn nên cuộc sống của tôi đã có lúc rơi vào bế tắc. Bố mẹ mất sớm, bản thân lại tật nguyền do di chứng của chất độc da cam, hàng ngày công việc chính của tôi là bán vài mớ rau ở chợ song thu nhập không đáng là bao. Sau khi được bạn bè giới thiệu, tôi xin gia nhập Đoàn nghệ thuật nhân đạo. Được tham gia biểu diễn, giao lưu cùng những người đồng cảnh ngộ, tôi không còn tự ti nữa. Với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng, tôi có thể tự lo cho cuộc sống của mình.

 

Cùng với chị Hoàn, anh Nguyễn Mạnh Hoàn (xã An Bồi, huyện Kiến Xương) tham gia Đoàn nghệ thuật nhân đạo ngay từ khi mới thành lập. Trước khi gia nhập Đoàn, anh làm công nhân may song thu nhập thấp do sức khỏe yếu. Anh Hoàn chia sẻ: Công việc này phù hợp với sức khỏe và là niềm đam mê của bản thân tôi từ nhỏ. Từ thu nhập hiện tại, cuộc sống của tôi được bảo đảm. Mong rằng, từ tấm lòng hảo tâm của mọi người, Đoàn sẽ luôn duy trì và phát triển để những người kém may mắn như chúng tôi sống có ý nghĩa hơn.

 

Dù mới thành lập được hơn một năm song Đoàn nghệ thuật nhân đạo với sự đón nhận từ những tấm lòng hảo tâm đã mở ra cánh cửa mới cho nhiều cuộc đời bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, người khuyết tật. Lời ca, tiếng hát đã hàn gắn vết thương tâm hồn để họ có thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Những con người ấy là tấm gương về nghị lực vượt lên số phận. Dù hình hài khiếm khuyết nhưng trái tim vẫn tràn đầy nhiệt huyết, khát khao sống để mang lời ca, tiếng hát cho đời.

 

Hoàng Lanh

  • Từ khóa