Thứ 6, 24/01/2025, 05:38[GMT+7]

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống lao

Thứ 3, 24/03/2015 | 08:32:38
1,709 lượt xem
Nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn đồng chí Ðỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lao tỉnh về sự nguy hiểm của bệnh lao, thực trạng, giải pháp phòng chống lao trên địa bàn tỉnh.

Kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi làm xét nghiệm phục vụ công tác điều trị bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Thành Tâm

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết sự nguy hiểm của bệnh lao trong đời sống cộng đồng?

 

Bác sĩ Ðỗ Thanh Giang: Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đặc tính lây dễ dàng qua tiếp xúc thông thường như ho, hắt hơi, nói chuyện nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn và nguy cơ mắc lao có thể xảy ra với bất cứ người nào. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay khoảng 1/3 dân số thế giới nhiễm lao, hàng năm có thêm 8,6 triệu người mắc lao, 13% đồng nhiễm lao/HIV, 1,3 triệu người tử vong do lao. Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang diễn biến phức tạp và xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong số 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới và đứng thứ 14/27 nước có tỷ lệ lao kháng thuốc cao. Mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 130.000 người mắc lao mới; có khoảng 3.500 người mắc lao kháng đa thuốc và có tới 18.000 người tử vong do lao. Bệnh lao nguy hiểm song có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.

 

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết thực trạng công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

 

Bác sĩ Ðỗ Thanh Giang: Những năm qua, công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm, triển khai theo đúng quy định của Chương trình chống lao quốc gia về phát hiện nguồn lây, quản lý, điều trị lao/HIV... Hoạt động phát hiện nguồn lây được duy trì thường xuyên, có chất lượng, hiệu quả cao. Mỗi năm, toàn tỉnh phát hiện từ 1.400 - 1.600 bệnh nhân lao. Toàn bộ bệnh nhân lao phát hiện được đưa vào điều trị theo Chương trình chống lao quốc gia với kết quả khỏi bệnh cao, khoảng 90%; do đó, tỷ lệ mắc lao có xu hướng giảm. Năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 374/QÐ-TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2015 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 100/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 15/100.000 người dân và tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 4,5% trong số bệnh lao mới phát hiện. Ðến năm 2020, giảm mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 74/100.000 người dân; giảm chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân và khống chế tỷ lệ lao kháng thuốc dưới 4%.

 

Xét nghiệm bệnh phẩm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Bình.

 

Phóng viên: Ðể thực hiện các mục tiêu trên, hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi đời sống cộng đồng, tỉnh ta có những giải pháp gì, thưa bác sĩ?

 

Bác sĩ Ðỗ Thanh Giang: Trong thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp: Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về phòng chống lao; tuyên truyền sâu rộng về bệnh lao và công tác phòng chống lao để người dân hiểu, không mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh lao. Chủ động tiếp cận, sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. Ưu tiên tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ cán bộ điều trị lao, bảo đảm đủ nhân lực, ổn định hoạt động phòng chống lao tại tuyến tỉnh, huyện, xã; thường xuyên cập nhật kiến thức phòng chống bệnh lao cho các thầy thuốc đa khoa và chuyên khoa; nâng cao năng lực quản lý về phòng chống lao cho cán bộ quản lý các cấp thông qua chương trình đào tạo, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; cử cán bộ đi đào tạo các kỹ thuật mới, tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh lao; đào tạo và đào tạo lại mạng lưới cán bộ chống lao tuyến huyện, xã. Bảo đảm về cơ sở vật chất, xây dựng hoặc nâng cấp các phòng khám lao có đủ trang thiết bị; bảo đảm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo tuyến và bảo đảm nguồn tài chính cho hoạt động chống lao. Ứng dụng tối đa các kỹ thuật chẩn đoán lao mới và hiện hành để phát hiện sớm, phát hiện nhiều nhất số bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, lao/HIV, lao trẻ em có trong cộng đồng. 

 

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ.

Hà Dung (thực hiện)

 

  • Từ khóa