Thứ 6, 02/08/2024, 15:23[GMT+7]

Hội Người mù huyện Kiến Xương Khó khăn trong tạo việc làm thường xuyên cho hội viên

Chủ nhật, 29/03/2015 | 18:14:44
2,454 lượt xem
Ông Đặng Văn Chính, Chủ tịch Hội Người mù huyện Kiến Xương cho biết: Toàn Hội hiện có 420 hội viên, trong đó khoảng 150 người khiếm thị ở độ tuổi lao động có nhu cầu được làm việc để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, Hội mới giải quyết được một phần nhỏ việc làm cho lực lượng lao động này. Cụ thể, tại cơ sở sản xuất và phục hồi chức năng người mù huyện có 12 lao động tham gia sản xuất tăm tre theo thời vụ cùng 7 lao động thường xuyên làm nghề xoa bóp bấm huyệt tại cơ sở

Người khiếm thị sản xuất tăm tre theo thời vụ tại cơ sở sản xuất và phục hồi chức năng Hội Người mù huyện Kiến Xương.

 

Cơ sở sản xuất và phục hồi chức năng Hội Người mù huyện Kiến Xương thành lập năm 1982. Trước hiện trạng cơ sở cũ xuống cấp, huyện Kiến Xương đã quan tâm đầu tư xây mới 2 phòng rộng khoảng 90m2. Cơ sở vẫn duy trì hoạt động nhưng chỉ tiến hành sản xuất mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ sản xuất 2 tháng (tháng 3, tháng 4 và tháng 9, tháng 10). Với sản lượng tiêu thụ khoảng 10 vạn gói tăm/vụ nên cơ sở chỉ cần 12 lao động làm việc. Mức thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên chỉ có 4/12 tháng họ có việc làm, các tháng còn lại họ trở về gia đình không có thu nhập thêm. Mặc dù cán bộ, hội viên đã tìm cách để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm song do một số nguyên nhân như số lượng sản phẩm người khiếm thị làm ra so với người bình thường thấp, làm thủ công dẫn tới năng suất lao động không cao, chi phí lớn. Bên cạnh đó, do hạn chế về sức khỏe và đi lại nên việc mở rộng, tiếp cận thị trường của người khiếm thị cũng gặp nhiều trở ngại. Hàng năm, các lớp tập huấn, dạy nghề đan làn nhựa, sản xuất hương, tăm tre, chổi rơm nhằm nâng cao tay nghề cho hội viên được Hội Người mù huyện Kiến Xương tổ chức. Cùng với đó, Hội cũng tiến hành sản xuất nhiều mặt hàng nhưng chất lượng, mẫu mã, giá thành không cạnh tranh được với thị trường vì thế các mặt hàng khác buộc phải dừng sản xuất, hiện chỉ còn sản phẩm tăm tre được duy trì.

 

Chị Lại Thị Na, nhân viên cơ sở sản xuất và phục hồi chức năng Hội Người mù huyện Kiến Xương chia sẻ: Tham gia làm việc tại cơ sở từ năm 1997 tôi thấy công việc sản xuất tăm phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân. Được làm việc, có thu nhập, tôi có thể giúp đỡ một phần nào đó cho gia đình. Tuy nhiên, việc làm tăm theo thời vụ không ổn định nên số tiền thu được trong 4 tháng lao động sản xuất tôi phải chi tiêu dè sẻn cho cả năm. Vì thế cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Bản thân tôi và nhiều anh chị em tại cơ sở mong muốn có việc làm quanh năm để có thu nhập ổn định cuộc sống.

 

So với nghề sản xuất tăm tre, việc làm trong nghề dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt được duy trì thường xuyên hơn với 7 lao động chính. Song hiện nay, cơ sở tẩm quất của Hội vẫn phải thuê địa điểm. Các trang thiết bị chưa được đầu tư dẫn tới chất lượng dịch vụ còn hạn chế, số lượng khách chưa nhiều. Vì thế, Hội rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng để có thể xây dựng cơ sở vật chất phát triển dịch vụ, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tăm, tạo việc làm thường xuyên, giúp người khiếm thị bảo đảm cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

Hoàng Lanh

  • Từ khóa