Thứ 5, 08/08/2024, 12:21[GMT+7]

Những giọt máu hồng mang lại sự sống cho người bệnh

Thứ 3, 07/04/2015 | 08:57:32
837 lượt xem
Hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động nhân đạo nổi bật của tỉnh thời gian qua. Từ những đơn vị máu hiến tặng, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời. Nhân ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh về phong trào hiến máu tình nguyện.

Cán bộ, nhân viên ngành Y tế tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Hiền Trâm

 

Phóng viên: Xin ông cho biết vai trò, ý nghĩa của máu trong chăm sóc, cứu chữa người bệnh?

 

Ông Nguyễn Văn Giang: Máu là một dịch thể vô cùng quý hiếm. Ngày nay, khoa học, y học tuy đã có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng vẫn chưa có một loại thuốc hay một loại dịch nào có thể thay thế được máu. Máu rất cần cho sự sống. Trong trường hợp nguy kịch cần truyền máu cứu sống người bệnh thì máu là vật phẩm vô giá không gì có thể so sánh hay thay thế được, và chỉ có con người mới giúp được con người. Vì thế, hiến máu tình nguyện là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả, một nghĩa cử cao đẹp mà cộng đồng cần phát huy.

 

Phóng viên: Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Giang: Những năm gần đây, ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã thể hiện được vai trò của mình thông qua nhiều văn bản, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành triển khai việc hiến máu. Phong trào hiến máu được duy trì nền nếp trên tinh thần tự nguyện của mỗi người dân. Tính riêng 2 năm gần đây, hàng trăm nông dân tại các địa phương đã tham gia hiến máu tình nguyện. Ðặc biệt, qua phong trào đã xuất hiện nhiều cặp vợ chồng, gia đình cùng hiến máu. Những yếu tố đó đã góp phần nâng cao số lượng máu hiến tặng. Nếu như năm 2009, lượng máu tiếp nhận mới có 3.580 đơn vị, đạt tỷ lệ 50% lượng máu sử dụng do chỉ vận động học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng thì đến nay phong trào hiến máu tình nguyện đã được phát triển sâu rộng tới các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị. Năm 2014, máu truyền để cứu chữa người bệnh đã đạt 9.425 đơn vị, chiếm tỷ lệ trên 90% lượng máu sử dụng trong các bệnh viện, không để bệnh nhân nào tử vong do thiếu máu truyền.

 

Tuổi trẻ các cơ quan tỉnh tự hào hiến tặng những giọt máu hồng vì cộng đồng.

 

Phóng viên: Khó khăn trong việc nâng cao số lượng và chất lượng máu hiến tặng ở tỉnh ta hiện nay là gì, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Giang: Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, người dân tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn dân số, trong khi đó lực lượng cán bộ, công nhân, sinh viên ít. Tuy nhiên, nhận thức về hiến máu tình nguyện của người dân ở các địa phương còn hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng máu hiến tặng. Ngoài ra, thủ tục hành chính đối với việc động viên, khuyến khích người hiến máu còn rườm rà, gây phiền hà trong các đợt hiến máu. Khi nhận các chế độ động viên, người hiến máu buộc phải có 4 chữ ký, điều này tạo tâm lý không thoải mái, chưa khuyến khích được người hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ hiến máu ở một số nơi có lúc chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu ghế, giường nghỉ cho người hiến máu.

 

Phóng viên: Ðể thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện trong thời gian tới, xin ông cho biết Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh có phương hướng, giải pháp như thế nào?

 

Ông Nguyễn Văn Giang: Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của việc hiến máu tình nguyện. Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động và chăm sóc người hiến máu cho các tình nguyện viên tại các trường học, cơ quan, đơn vị. Ðồng thời có những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong chính sách, chế độ đãi ngộ cho người hiến máu cũng như cải cách thủ tục hành chính để người trực tiếp tham gia hiến máu cảm thấy thoải mái. Cùng với đó, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Khoa Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh để việc tổ chức hiến máu, vận chuyển, bảo quản máu được bảo đảm; tăng cường tổ chức các đợt hiến máu tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời tổ chức hiến máu lưu động theo cụm xã. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp cần khích lệ, động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hiến máu và vận động hiến máu, qua đó thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển trong thời gian tới.

 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Lanh (thực hiện)

 

  • Từ khóa