Thứ 5, 08/08/2024, 12:16[GMT+7]

Minh Lãng Điểm sáng công tác giảm nghèo

Chủ nhật, 19/04/2015 | 18:27:57
1,024 lượt xem
Từ một xã thuần nông với tỷ lệ hộ nghèo 7,1% (năm 2010), đến nay đời sống người dân xã Minh Lãng (Vũ Thư) đang ngày một nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,72% (năm 2014). Đóng góp vào thành tựu đó có các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo kịp thời mà xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.

Cơ sở thêu của chị Phạm Thị Dung tạo việc làm ổn định cho 30 lao động.

 

Xác định công tác xóa đói giảm nghèo sẽ góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở Minh Lãng luôn quan tâm thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

 

Từ bao đời nay, nghề thêu đã gắn bó với người dân Minh Lãng nhưng do phần lớn những người hiện đang làm nghề còn mang tính thủ công nên năng suất lao động chưa cao, thu nhập thấp. Vài năm gần đây, để duy trì nghề và làng nghề, xã đã tạo điều kiện cho các gia đình vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học để thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Nhờ đó các sản phẩm thêu của xã đã được xuất khẩu sang một số nước. Cùng với đó, việc mở lớp dạy nghề thêu cho các đối tượng tại địa phương cũng được xã quan tâm. Năm 2014, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, Minh Lãng đã mở được 3 lớp dạy thêu và may miễn phí cho 200 người, qua đó giúp họ tìm được việc làm, nâng cao thu nhập.

 

Bên cạnh đó, hoạt động cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách từ các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên của xã cũng phát huy hiệu quả. Tính đến hết tháng 3/2015, thông qua 4 đoàn thể trên, đã có hơn 500 gia đình ở Minh Lãng được vay vốn với tổng dư nợ hơn 11 tỷ đồng, góp phần giải quyết nhiều khó khăn, phát triển sản xuất…, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Gia đình chị Phạm Thị Dung ở thôn Thanh Trai trước đây thuộc diện khó khăn của xã. Năm 2012, nhờ chính sách vay vốn ưu đãi, chị được vay 50 triệu đồng để mở xưởng thêu. Đến nay, xưởng thêu của chị tạo việc làm ổn định cho 30 phụ nữ trong xã với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm doanh thu từ xưởng thêu đem lại cho gia đình chị khoảng 150 triệu đồng, nhờ đó mọi sinh hoạt hàng ngày được bảo đảm, con cái có điều kiện học tập.

 

Cùng với việc duy trì nghề thêu truyền thống và một số nghề khác, nhiều năm qua Minh Lãng còn tạo điều kiện về vốn và các thủ tục pháp lý để người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính đến hết năm 2014, toàn xã có 483 người đi lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… với thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã. Ngoài ra, các hình thức bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được bảo đảm như hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

 

Nhờ các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, công tác giảm nghèo của Minh Lãng đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ 215 hộ nghèo (năm 2010) đã giảm xuống còn 95 hộ (năm 2014), xã không còn hộ tái nghèo, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Thời gian tới, Minh Lãng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo như học nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn ưu đãi để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất.

 

Nguyễn Cường

 

“Việc bám sát các tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo của Nhà nước là một trong những yếu tố góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã trong những năm qua. Nhờ xác định đúng đối tượng, đúng tiêu chí, xã nắm được nguyên nhân dẫn đến nghèo, từ đó có biện pháp giải quyết cụ thể”.

 

(Đồng chí Ngô Xuân Ban,  Phó Chủ tịch UBND xã)

  • Từ khóa