Chủ nhật, 19/01/2025, 09:28[GMT+7]

Toàn tỉnh tích cực, chủ động phòng, chống cơn bão số 1

Thứ 4, 24/06/2015 | 11:04:11
1,710 lượt xem
Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1. Sáng ngày 24/6, khu vực ven biển huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; trong đất liền, gió mạnh cấp 6, cấp 7, có mưa vừa đến mưa to. Phóng viên Báo Thái Bình có mặt tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh ghi nhận công tác chuẩn bị ứng phó trước khi bão đổ bộ.

 

 

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã ban hành các công điện chỉ đạo công tác PCTT và TKCN. Các ngành, các địa phương tích cực kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Đôn đốc nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa xuân với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Kiểm tra các phương án PCTT và TKCN, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Kiểm tra, đôn đốc và triển khai phương án bảo đảm an toàn cho toàn bộ số lao động tại các chòi canh ngao, các đầm nuôi trồng thủy hải sản, những người đang sinh sống ngoài đê biển. Toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân, thu hoạch được 55% diện tích cây màu hè. Hiện các địa phương có khoảng 3.000ha cây màu hè thu, diện tích mạ đã gieo trên 2.300ha và 30ha lúa đã cấy. Đến 11 giờ ngày 24/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã liên lạc được với 1.218 tàu, thuyền với 3.325 lao động. Toàn tỉnh có 1.182 phương tiện với 3.165 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh, 36 phương tiện đang hoạt động ở tỉnh ngoài cũng đã liên lạc được và đã vào bờ. Tại hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải, đến 11 giờ ngày 24/6, trên 3.300 lao động tại khu vực lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản ven biển đã được sơ tán vào nơi an toàn. Hơn 5.550 người ở khu vực nhà yếu, sinh sống và tham gia các hoạt động khác ngoài đê biển cũng đã được đưa đến tránh trú tại các khu vực kiên cố. Các địa phương đã triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống úng để bảo vệ cây màu, mạ và lúa mới cấy.

 

* Tại Thái Thụy

 

 

Tàu, thuyền neo đậu tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy).

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, toàn huyện có 187 chòi canh ngao với 266 lao động đã được các lực lượng chức năng thông tin, di chuyển vào bờ an toàn. 1.652 hộ dân với khoảng 4.154 nhân khẩu sinh sống trong đê chính ở những căn nhà yếu cũng đã được chính quyền các xã, thị trấn thông báo và sẵn sàng các biện pháp bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ. 533 phương tiện khai thác thủy hải sản do huyện quản lý với 1.700 lao động đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Toàn huyện hiện đã cơ bản thu hoạch xong gần 13.000ha lúa xuân. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai gieo được trên 300ha mạ mùa. Đối với những diện tích mạ đã gieo, cây màu hè xen, cây màu hè thu mới trồng, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng phương án tiêu úng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

 

 Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện yêu cầu các đơn vị có công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình ven sông, trên sông, trên biển, công trình đê điều... chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện; theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.

 

* Tại Tiền Hải

 

Toàn huyện có 608 tàu, thuyền với 1.716 lao động đang tham gia các hoạt động đánh bắt thủy hải sản; 1.532 hộ với 2.100 lao động tại khu vực lồng bè, chòi canh, nuôi trồng thủy hải sản ven biển; 294 nhà yếu với 716 người; 217 hộ với 684 nhân khẩu hiện đang sinh sống và tham gia các hoạt động khác ngoài đê biển... Để bảo đảm an toàn về người và tài sản, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã ban hành các công điện yêu cầu các xã chỉ đạo tất cả các chủ hộ nuôi trồng thủy hải sản ký cam kết không để lao động tại các chòi canh, đầm nuôi trồng thủy hải sản trước khi bão đổ bộ, đồng thời tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê, ngư dân trên các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Huyện nghiêm cấm tất cả tàu, thuyền ra khơi, tham gia các hoạt động trên biển từ 22 giờ ngày 23/6/2015, đồng thời khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ số tàu, thuyền trên địa bàn, tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh trú bão an toàn. Bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu. Tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê sông, đê cửa sông, đê biển và các trọng điểm xung yếu trên hai tuyến đê số 5 và số 6. Kiểm tra toàn bộ hệ thống phai dự phòng các cống dưới đê, phai băng két trên đê trước khi bão đổ bộ. Chủ động kế hoạch điều tiết nước, khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản, đề phòng mưa lớn gây ngập úng mạ non và hoa màu. Bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau bão; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTT của các cấp, các ngành; bảo đảm cấp điện đầy đủ cho các hoạt động, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền.

 

 Tính đến 22 giờ 30 phút ngày 23/6, toàn huyện đã sơ tán, di dời 89% số người thuộc diện phải di dời vào nơi tránh trú bão an toàn, đồng thời tiếp tục tuyên truyền để những người còn lại vào nơi tránh trú an toàn; 608 tàu, thuyền và toàn bộ số lao động trên các tàu, thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn tại các điểm tránh trú bão trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận (20 tàu tránh trú bão tại Hải Phòng). 21 tàu gần bờ đang di chuyển vào nơi tránh trú bão thuộc khu vực cửa Lân.

 

* Tại thành phố Thái Bình

 

 

Cùng với tiếp âm Đài Truyền thanh thành phố Thái Bình, Đài Truyền thanh phường Bồ Xuyên còn tích cực tuyên truyền về công tác phòng, chống cơn bão số 1 trên địa bàn.

 

Với mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối các công trình đê điều, hơn 400 hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà cao tầng đã xuống cấp (thuộc tổ 17, tổ 39, tổ 40 phường Quang Trung; tổ 1, tổ 24, tổ 25, tổ 26A, tổ 26B phường Lê Hồng Phong; tổ 12, tổ 14 phường Kỳ Bá), bảo vệ 200ha mạ mùa đã gieo, 5ha lúa mùa gieo thẳng và 400ha cây màu hè, hè thu, thành phố Thái Bình đã chủ động xây dựng phương án ứng phó khi cơn bão số 1 đổ bộ. Cùng với việc ban hành 3 công điện khẩn, thành phố Thái Bình còn chỉ đạo các phường, xã, các ngành, các đơn vị kiểm tra cụ thể nhân lực, vật lực, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai các phương án bảo vệ công trình đê điều, khẩn trương thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đã đến kỳ thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện và công trình đang thi công. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các phường, xã thực hiện phương án di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm như nhà cao tầng đã xuống cấp, nhà tạm, nhà trọ tư nhân…, nhất là những khu nhà cao tầng đã xuống cấp nghiêm trọng thuộc các phường Lê Hồng Phong, Quang Trung, khu dân cư ven đê Nhất Thanh của phường Kỳ Bá… Ngoài ra, thành phố còn chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh tăng thời lượng tuyên truyền về diễn biến cơn bão để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

 

Đến 14 giờ ngày 24/6, thành phố Thái Bình đã tiến hành di dời hơn 300 hộ dân sinh sống tại các khu nhà cao tầng đã xuống cấp nghiêm trọng đến nơi tránh trú an toàn, đồng thời tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị phối hợp với UBND các phường, xã và các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động số hộ dân còn lại di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

 

* Tại Vũ Thư

 

 

Nông dân xã Song An (Vũ Thư) khẩn trương thu hoạch dưa lê vụ hè trước khi cơn bão số 1 đổ bộ.

 

Đến nay, trên 8.000ha lúa xuân của huyện đã thu hoạch xong. Toàn huyện đã gieo trồng 1.365ha cây màu hè, 1.496ha cây màu hè thu, 700ha mạ mùa, gieo cấy 150ha lúa mùa (tập trung ở xã Vũ Đoài) và gieo thẳng 300ha lúa mùa (tập trung ở hai xã Xuân Hòa, Đồng Thanh). Để chủ động phòng, chống cơn bão số 1, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã ban hành hai công điện khẩn yêu cầu các địa phương và các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện huy động tối đa nhân lực, vật lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho công tác phòng, chống lụt, bão; tập trung chằng chống nhà cửa, trường học, kho tàng, công sở, bệnh viện; có phương án giúp đỡ và sơ tán dân ở nhà yếu sang nhà kiên cố; yêu cầu các đơn vị có công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình ven sông, đê sông, các chủ nuôi trồng thủy sản kiểm tra, chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện; dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đưa các phương tiện hoạt động trên sông về nơi trú ẩn an toàn; chủ động các phương án phòng, chống úng và bảo vệ công trình phòng, chống lụt bão. Ngay trong sáng ngày 24/6, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã tổ chức họp triển khai các phương án phòng, chống cơn bão số 1, đồng thời chỉ đạo các thành viên tăng cường về các xã, thị trấn kiểm tra, phối hợp cùng địa phương phòng, chống lụt, bão.

 

* Tại Đông Hưng

 

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành xây dựng kế hoạch, triển khai giám sát hoạt động ứng phó với cơn bão số 1, báo cáo về Ban Chỉ huy theo giờ; xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo các nhà trường, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các xã, thị trấn đề ra phương án phòng, chống nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Đặc biệt, đối với trên 300ha mạ đã gieo, huyện yêu cầu các địa phương chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu úng khi có mưa lớn; đồng thời, huyện cũng yêu cầu các xã khẩn trương thu gom, vận chuyển xi măng tỉnh hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới vào nơi an toàn. Lực lượng công an, quân sự triển khai các phương án phân công lực lượng tham gia phòng, chống bão, sẵn sàng bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

 

* Tại Quỳnh Phụ

 

 

Công nhân Trạm bơm Quỳnh Hoa kiểm tra máy móc phục vụ tiêu úng.

 

Đến nay, huyện đã gieo xong 500ha mạ vụ mùa, 1.100ha cây màu hè đang bước vào thu hoạch, 500ha cây màu hè thu đang trong giai đoạn phát triển, trên 1.000ha lúa tái sinh đang phân hóa làm đòng.

 

Để chủ động phòng, chống cơn bão số 1, UBND huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi, các HTX DVNN tiến hành đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, chủ động tiêu nước triệt để và giải phóng dòng chảy trên các sông theo phân cấp quản lý, duy trì mực nước thấp nhất trên hệ thống sông trục, đề phòng mưa lớn gây ngập úng diện tích mạ đã gieo, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản; phân công công nhân vận hành máy bơm thường trực 24/24 giờ để tiến hành bơm tiêu khi cần thiết. Triển khai phương án bảo vệ các khu chăn nuôi tập trung và các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ven sông Luộc, sông Hóa. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các cấp, các ngành trong huyện tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra. Điện lực Quỳnh Phụ bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm phục vụ bơm tiêu úng kịp thời.

 

* Tại Kiến Xương

 

Trước diễn biến của cơn bão số 1, sáng ngày 24/6, UBND huyện đã họp khẩn cấp, triển khai công tác ứng phó. Huyện đã ban hành 4 công điện, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, khẩn trương kiểm đếm và sắp xếp tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn. Yêu cầu các đơn vị có công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven sông, trên sông, đê sông, các chủ nuôi trồng thủy sản và các chủ phương tiện vận tải, giao thông thủy tổ chức kiểm tra, chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức trực, giao ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.

 

Đến nay, các địa phương trong huyện đã thu hoạch xong 11.386ha lúa xuân, trồng được 600ha cây màu (chủ yếu là rau), diện tích mạ đã gieo khoảng 500ha. Tính đến 16 giờ ngày 23/6, toàn bộ 139 tàu, thuyền của xã Hồng Tiến đã về nơi tránh trú an toàn (tại Hải Phòng 13 chiếc, Quảng Ninh 6 chiếc, các bến ở Tiền Hải 120 chiếc). Tất cả các cống ngang được tiêu nước liên tục, công tác khơi thông dòng chảy được thực hiện thường xuyên, các tuyến sông thông thoáng.

 

* Công an tỉnh

 

Trước diễn biến của cơn bão số 1, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các phương án ứng phó. Thực hiện nghiêm mệnh lệnh trực 100% quân số, theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố không bố trí xe đi tỉnh ngoài (trừ lệnh đột xuất), tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra phương tiện, vật tư, phao cứu sinh, xăng xe, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh…, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công tác ứng phó với bão, lụt và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; triển khai ngay phương án bảo đảm an ninh trật tự ở các địa bàn trọng điểm; bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để triển khai phương án di dân khi có lệnh… Công an các huyện Tiền Hải, Thái Thụy phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các doanh nghiệp có tàu, thuyền hoạt động trên biển tổ chức kiểm đếm, theo dõi, tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão để tìm nơi tránh trú, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; bố trí, sắp xếp tàu, thuyền neo đậu an toàn, tránh va đập gây vỡ hoặc chìm tàu; quản lý chặt chẽ tàu, thuyền, giữ thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

 

* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

 

 

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 1 tại khu neo đậu tàu, thuyền cảng Diêm Điền (Thái Thụy). Ảnh: Thành Đô (Bộ CHQS tỉnh)

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước đặt tại Hải đội 2 nhằm chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Trước đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử 30 cán bộ của Bộ Chỉ huy cùng 40 cán bộ, chiến sĩ các đồn, hải đội biên phòng thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn ven biển, phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện và địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và trực tiếp giúp nhân dân phòng, chống bão, di dời trẻ em, người già, người khuyết tật đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, nắm bắt số lượng, thông báo và hướng dẫn chủ phương tiện tàu, thuyền trên địa bàn và kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng tuyên truyền, vận động ngư dân phòng, chống cơn bão số 1; chỉ đạo các đơn vị trực 100% quân số, thường trực sẵn sàng cơ động, xử lý tình huống. Về phương tiện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động 4 tàu, 9 ca nô cùng các trang bị, vật chất tham gia phòng, chống cơn bão số 1.

 

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến trưa ngày 24/6, đơn vị đã phối hợp với hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải, các chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm được 1.218 phương tiện/3.325 lao động, không có tàu, thuyền hoạt động trên vùng ven biển của tỉnh. Số phương tiện neo đậu tại các bến cá trong tỉnh là 1.182 phương tiện/3.165 lao động. Đối với 1.001 lao động tại các đầm, bãi nuôi trồng thủy hải sản và các chòi canh ngao, đã tổ chức kêu gọi vào bờ 853 người.

 

* Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

 

Với phương châm “Phòng ngừa là chính, tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, hiệu quả”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia trực phòng, chống lụt, bão, bảo vệ doanh trại, kho tàng, các công trình quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Lực lượng phòng, chống lụt, bão tại chỗ gồm dân quân các xã ven đê sông, biển, lực lượng dự bị động viên 8 huyện, thành phố sẵn sàng ứng cứu ngay tại địa phương và thực hiện nhiệm vụ cơ động của tỉnh khi có lệnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã huy động 120 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, 12 ôtô, 2 tàu pha sông biển, 4 xuồng máy và đầy đủ các dụng cụ cứu hộ, sẵn sàng cơ động ứng cứu cho các trọng điểm xung yếu. Ban chỉ huy quân sự các xã, phường, thị trấn chỉ đạo lực lượng dân quân tham gia giúp các hộ dân củng cố, sửa chữa nhà ở khi bão tan. Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với ngành Giao thông khắc phục các điểm sạt lở. Đồng thời, chỉ đạo ban chỉ huy quân sự các cơ quan, đơn vị, địa phương bảo đảm quân số trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có trường hợp khẩn cấp.

 

Trong sáng ngày 24/6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng đưa 67 công nhân đang làm việc tại dàn khoan ngoài biển vào bờ an toàn.

 

* Công ty Điện lực Thái Bình

 

 

Công nhân Điện lực thành phố Thái Bình kiểm tra trạm biến áp tại phường Kỳ Bá trước khi bão số 1 đổ bộ.

 

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Công ty đã ra 3 công điện yêu cầu các đơn vị tổ chức trực phòng, chống lụt, bão 100% quân số xung kích trước, trong và sau bão; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư để huy động ngay khi có yêu cầu; kiểm tra, rà soát, củng cố toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc thuộc hệ điều độ.

 

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra, điện lực các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra lưới điện, xử lý các khiếm khuyết, phát quang cây cối trong hành lang an toàn lưới điện; kiểm tra toàn bộ đường dây, các trạm biến áp cấp điện, nhất là lưới điện hạ áp nông thôn, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền phòng, chống bão và tiêu úng đối với cây màu hè, mạ, lúa mùa. Ban Giám đốc và các phòng: Kỹ thuật, An toàn trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chủ động phòng, chống cơn bão số 1. Phòng Điều độ và điện lực các huyện, thành phố chủ động phối hợp thực hiện phương án cấp điện cho các trạm bơm chống úng; phối hợp với các công ty, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi kiểm tra hoạt động của các trạm bơm chống úng, bảo đảm sẵn sàng vận hành ổn định. Công ty Điện lực Thái Bình sẽ cắt điện theo phương án phòng, chống lụt, bão và TKCN khu vực bị ngập lụt, khu vực có nguy cơ bị ngập lụt để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi bão đổ bộ.

 

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa