Thứ 6, 26/07/2024, 09:25[GMT+7]

Phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống

Thứ 2, 29/06/2015 | 09:29:23
1,744 lượt xem
Ngay từ xa xưa, những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống như tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi trong sáng, tình nghĩa vợ chồng thủy chung, tình yêu thương, đức hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, sự kính trọng, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên, tình cảm anh em keo sơn gắn bó… đã được thể hiện rõ nét qua kho tàng ca dao, tục ngữ.

Ảnh minh họa.

 

Nói đến tình nghĩa vợ chồng thủy chung, ca dao có các câu: “Chồng em áo rách em thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người”; “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”; “Rủ nhau lên núi đốt than/Chồng mang đòn gánh, vợ mang quang giành/Củi than nhem nhuốc với tình/Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên”...; nói về tình cảm của cha mẹ đối với con cái, con cháu đối với ông bà, cha mẹ, tình cảm anh chị em trong một nhà, hầu như người Việt Nam nào cũng nhớ, cũng thuộc những câu: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”…

 

Ngày nay, gia đình hiện đại đã xuất hiện nhiều nét mới, tiến bộ. Con cái được chủ động chọn bạn đời, tự quyết định nghề nghiệp, không bị ràng buộc bởi tư tưởng “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Quan niệm về việc sinh càng  đông con càng có phúc, “Trời sinh voi trời sinh cỏ” đã trở nên lỗi thời. Các cặp vợ chồng thực hiện sinh ít con để có đủ khả năng nuôi dạy con thật tốt. Người phụ nữ được tạo điều kiện học hành, phấn đấu, được thể hiện năng lực, theo đuổi ước mơ, tham gia công việc xã hội, tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu”, “chị dâu em chồng” cũng thuận hòa hơn.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tiến bộ ấy, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tính dân chủ trong gia đình, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi đã dẫn đến nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang dần bị mai một. Nhiều cặp vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, không nhẫn nhịn, không nghĩ đến chữ “tình”, chữ “nghĩa”, không hy sinh bản thân vì hạnh phúc con cái; nhiều gia đình con cái bỏ rơi cha mẹ lúc tuổi già, chia ngày tính tháng nuôi người đã sinh ra mình, anh chị em mâu thuẫn vì tranh chấp đất đai, quyền thừa kế tài sản, nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, không ít gia đình rất hiếm khi có một bữa cơm đông đủ thành viên. Tình yêu vốn là tình cảm thiêng liêng, lãng mạn nhất của nhân loại nhưng không ít đôi bạn trẻ hiện nay đến với tình yêu, hôn nhân bằng sự tính toán, lọc lừa…

 

Sự mai một các giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống đã dẫn đến hậu quả là tình trạng ly hôn, nạo phá thai, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Để hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra rằng, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống chính là nền tảng để xây dựng gia đình văn hóa thời hiện đại. Trong gia đình, các thành viên cần ý thức được vị trí, trách nhiệm của bản thân, duy trì nền nếp, gia phong, mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữ gìn đạo hiếu bên cạnh việc kế thừa những yếu tố tiến bộ của gia đình hiện đại. Có như thế mới khắc phục được tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đối với văn hóa gia đình nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.

 

Vũ Hường

  • Từ khóa