Thứ 6, 09/05/2025, 11:28[GMT+7]

Kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015) Kỷ vật thiêng liêng của anh hùng liệt sĩ Trần Bình

Thứ 5, 23/07/2015 | 08:23:25
1,904 lượt xem
Sau nhiều năm, bộ quần áo của anh hùng liệt sĩ Trần Bình đã trở thành tư liệu sống, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho nhiều thế hệ.

Bộ quần áo của anh hùng liệt sĩ Trần Bình.

Con đường bê tông trải dài từ đầu làng đưa tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Bé, em ruột anh hùng liệt sĩ Trần Bình ở làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư khi bà đang lúi húi hong quần áo ngoài sân. Trong mớ quần áo trên dây phơi có bộ quần áo vải xanh lơ kẻ sọc đã cũ, có nhiều vết đỏ khác thường. Tôi chưa kịp hỏi thì bà Bé đã nói: “Bộ quần áo của anh Bình do ông Thuận, bạn tù của anh Bình mang đến cho gia đình tôi đấy anh ạ”.

Vừa cảm động vừa thấy là chuyện lạ, tôi lật đi lật lại từng vạt áo, ống quần đã được là nhẵn mịn, gấp phẳng phiu thì thấy cả quần và áo còn nham nhở những vết đỏ. Bà Bé kể: Khi giao bộ quần áo này, ông Thuận kể rằng, vết máu chảy từ áo xuống lưng là anh Bình bị giặc đánh bằng “cọc bò”; vết sườn áo tròn tròn là vết đầu dùi cui; vết ở sống quần bên phải là hình roi điện; mấy vết tròn đỏ liền nhau là do năm đầu ngón tay anh Bình bị giặc đóng đinh, anh dí chặt vào áo để máu khỏi chảy nhiều. Ông Thuận còn kể: Bộ quần áo này anh Bình thường mặc ra ngoài phố như người bản xứ để che mắt bọn mật thám Pháp. Tôi và những người có mặt hôm đó được xem bộ quần áo đã không cầm được nước mắt. Bà Bé kể tiếp: Xưa bố mẹ tôi nghèo lắm, lại đông con. Năm 13 - 14 tuổi, anh Bình phải đi bán lạc rang, bán báo ở Hà Nội rồi được cách mạng chọn làm liên lạc. Ngày 5/1/1946, anh chuyển sang công tác tại Đội hành động, Công an quận 6, Hà Nội.

Tìm hiểu tư liệu về anh hùng liệt sĩ Trần Bình, tôi được biết: Được tổ chức cách mạng phân công, chiều ngày 10/10/1947, Đội hành động gồm anh Bình, anh Kỳ đã bí mật phục kích, giết được tên Trương Đình Chi ở Hà Nội, một tên Việt gian chống cộng khét tiếng gian ác giữ chức Thủ hiến Bắc Việt do Pháp dựng lên.

Đầu tháng 12/1947, Đội hành động lại được lệnh trừ khử Chánh mật thám liên bang Buốc-ních, tên thực dân cáo già gian hùng khét tiếng. Anh Bình, anh Thuận là những người thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Sáng ngày 15/12/1947, trong khi thi hành nhiệm vụ, anh Bình, anh Thuận bị sa vào tay giặc. Tại cơ quan mật thám Pháp (nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội), mặc dù địch đã dùng mọi cực hình tàn bạo tra tấn nhưng các anh một lòng một dạ chịu đựng, không khai báo, bảo toàn bí mật của cách mạng. Không khuất phục được các anh, đêm ngày 19/5/1949 giặc Pháp đã hèn nhát đưa anh Bình đi thủ tiêu.

Trước giờ xử bắn, anh Bình bình tĩnh nói với anh em bạn tù: “Mình chỉ tiếc là chưa cống hiến được nhiều cho cách mạng” rồi thản nhiên cởi bộ quần áo thường mặc khi bị tra tấn đưa cho anh Thuận (bạn tù phòng bên) và nói: “Thuận giữ bộ quần áo này mặc làm kỷ niệm để tiếp tục đấu tranh. Mình sẽ mặc quần áo mới cho đàng hoàng...”.

Mặc cho bọn thực dân Pháp và tay sai liên tục kiểm tra, lục soát các phòng giam nhưng anh em bạn tù vẫn bí mật di chuyển, giữ được bộ quần áo của anh Bình.

Nguyễn Văn Thuận nguyên là Trưởng Công an quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (bạn tù của Trần Bình ở Hỏa Lò), sau này khi thoát khỏi nhà tù thực dân, đế quốc đã giữ lại bộ quần áo của Trần Bình. Một ngày giữa mùa hè năm 1995, trời nắng như đổ lửa, ông đã từ thành phố mang tên Bác tìm đến làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, quê hương của anh hùng liệt sĩ Trần Bình để giao lại bộ quần áo - kỷ vật thiêng liêng gần nửa thế kỷ qua cho gia đình bà Trần Thị Bé. Ông Thuận nói trong nước mắt: “Suốt mấy chục năm qua, lúc nào tôi cũng để bộ quần áo của anh Bình chung với hòm quần áo của tôi. Mỗi lần mang nó ra ngắm là một lần tôi thương nhớ anh Bình vô cùng. Nay giao lại bộ quần áo cho gia đình, tôi nhớ lắm, bâng khuâng lắm...”.

Sau nhiều năm, bộ quần áo của anh hùng liệt sĩ Trần Bình đã trở thành tư liệu sống, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho nhiều thế hệ. Vừa qua, gia đình bà Trần Thị Bé và chính quyền xã Minh Khai đã hiến tặng kỷ vật này cho Bảo tàng Thái Bình.

Minh Lệ
(Minh Khai, Vũ Thư)

 

  • Từ khóa