Chủ nhật, 11/08/2024, 18:10[GMT+7]

Mới có trên 27% đơn vị giao dịch điện tử bảo hiểm xã hội thành công

Thứ 2, 17/08/2015 | 09:28:52
930 lượt xem
Cùng với bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bảo hiểm xã hội Thái Bình phấn đấu mục tiêu cắt giảm thời gian kê khai thủ tục hành chính lĩnh vực BHXH trung bình của một doanh nghiệp từ 335 giờ/năm (năm 2014) xuống còn 49,5 giờ/năm (năm 2015). Để đạt được mục tiêu này, Bảo hiểm xã hội tỉnh tập trung triển khai giải pháp tối ưu đó là giao dịch điện tử BHXH.

 

Tiền Hải hiện có 406 đơn vị sử dụng lao động, trong đó 177 đơn vị hành chính sự nghiệp và 229 doanh nghiệp. Ông Phạm Đại Hải, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện cho biết: Từ khi áp dụng giao dịch điện tử trong kê khai các thủ tục lĩnh vực BHXH bao gồm BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bộ phận một cửa tại đơn vị đã giảm tải nhiều áp lực. Hiện nay, hầu hết chỉ còn trường hợp người lao động đến giải quyết các chế độ, chính sách, cấp đổi sổ BHXH, thẻ BHYT; trường hợp đơn vị sử dụng lao động đến kê khai, thực hiện các thủ tục BHXH rất ít. Áp dụng giao dịch điện tử tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các đơn vị hành chính, sự nghiệp đồng thời cũng giảm tải áp lực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân của Bảo hiểm xã hội huyện.

 

Cùng với Bảo hiểm xã hội huyện Tiền Hải, các huyện, thành phố trong tỉnh đồng loạt triển khai giao dịch điện tử BHXH. Đến nay, 89,2% trong tổng số 3.232 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đã đăng ký tham gia giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, trong đó 57% số đơn vị đã có hồ sơ giao dịch, 27,4% đơn vị đã thực hiện giao dịch thành công, trên 200 đơn vị đã sử dụng chữ ký số Token. Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Hồng Quang, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bảo hiểm xã hội tỉnh chia sẻ: Giai đoạn đầu triển khai giao dịch điện tử, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện, thành phố gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống máy chủ và của đơn vị sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu giao dịch điện tử, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít lao động nên chưa mặn mà tham gia, người phụ trách công tác BHXH của một số đơn vị đã cao tuổi nên trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, nguồn nhân lực của Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện, thành phố hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động triển khai giao dịch điện tử còn mỏng và kiêm nhiệm nhiều việc.

Khắc phục khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về giao dịch điện tử, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch, quán triệt 100% cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành phải nắm bắt, sử dụng thành thạo phần mềm iQLBH và iBHXH; các đơn vị phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền tới các đơn vị sử dụng lao động về tiện ích, ý nghĩa của giao dịch điện tử. Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Công ty TS24 trực tiếp tổ chức 2 đợt và chỉ đạo BHXH huyện, thành phố tổ chức trên 30 đợt tập huấn, hướng dẫn cho 100% đơn vị sử dụng lao động về cài đặt, sử dụng phần mềm iBHXH, cách kê khai thủ tục hồ sơ trên phần mềm... Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập đường dây nóng trên website của đơn vị để tiếp nhận và phản hồi trực tiếp ý kiến của các doanh nghiệp, đơn vị trong quá trình triển khai giao dịch điện tử. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình ứng dụng phần mềm, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện, thành phố thành lập các tổ hỗ trợ do cán bộ chuyên quản thu trực tiếp xuống doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh. Đến nay, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn đã tích cực hưởng ứng. Nhiều đơn vị đã kê khai thành công các thủ tục BHXH, BHYT qua giao dịch điện tử như Công ty TNHH Hanul (Kiến Xương), Chi nhánh Công ty Cổ phần Sao Vàng (Quỳnh Phụ), Công ty Cổ phần Gạch ốp lát Thái Bình (Tiền Hải). Chị Vũ Thị Luyến, phụ trách nhân sự Công ty TNHH May xuất khẩu Bình Lan (Quỳnh Phụ) cho biết: Đơn vị có trên 200 lao động, trước kia tôi thường phải kê khai trên giấy các thủ tục BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và mang đến nộp cho cơ quan BHXH. Từ khi áp dụng giao dịch điện tử, nếu có phát sinh thay đổi, chỉ cần ngồi tại Công ty, kê khai theo phần mềm và chuyển qua mạng cho cơ quan BHXH là xong, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho đơn vị.

 

Năm 2015, Bảo hiểm xã hội tỉnh phấn đấu 100% đơn vị tham gia giao dịch điện tử BHXH. Để đạt mục tiêu trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện, thành phố đang tiếp tục giải bài toán 224 đơn vị sử dụng lao động không đủ điều kiện tham gia giao dịch điện tử. Về vấn đề này, ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Đơn vị chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố lập danh sách cụ thể các đơn vị sử dụng lao động. Tăng cường tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tự giác tham gia. Khảo sát thực tế, huy động các cấp, các ngành vào cuộc hỗ trợ các đơn vị hành chính, sự nghiệp triển khai giao dịch điện tử; chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Từ năm 2016, BHXH Thái Bình sẽ kiên quyết không nhận hồ sơ thủ tục trên giấy mà sẽ thực hiện qua giao dịch điện tử. Thực hiện quyết liệt các biện pháp triển khai giao dịch điện tử, Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng đến mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi giải quyết các thủ tục trong lĩnh vực BHXH.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa