Thứ 6, 02/08/2024, 09:17[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (28/8/1945 - 28/8/2015) Phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngày càng vững mạnh

Thứ 6, 28/08/2015 | 08:32:36
779 lượt xem
Ngày 28/8/1945, tại lễ tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Lao động và Cứu tế xã hội (tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày nay) để đảm nhận những nhiệm vụ về lao động, thương binh và xã hội của chính quyền cách mạng. Trải qua 70 năm xây dựng, củng cố và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệ

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đại diện một số đơn vị trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nguyễn Cường.

 

Cùng với sự ra đời và trưởng thành của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cả nước, trong suốt 70 năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, không ngừng nỗ lực phấn đấu, thể hiện vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ việc huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến đến việc quản lý lực lượng lao động, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Thời kỳ kháng chiến, công tác lao động tập trung hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: tổ chức động viên phong trào thi đua ái quốc và động viên nhân lực cho kháng chiến. Giai đoạn này, Thái Bình có trên 40 vạn thanh niên lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu; trên 3 vạn dân công hỏa tuyến; 20 vạn người tham gia bộ đội địa phương, dân quân du kích, huy động gần 120 triệu ngày công lao động tại chỗ và phục vụ chiến đấu; 3,5 vạn thanh niên xung phong; gần 4,5 vạn dân công quốc phòng góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng lên tượng đài chiến thắng của dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 

Đất nước thống nhất, công tác lao động tập trung giải quyết việc làm tại chỗ gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công tác chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, phân bố lại lực lượng lao động, dân cư. Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng chương trình giải quyết việc làm, trong đó tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề..., góp phần giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng và thương mại, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động. Giai đoạn 2011 - 2014, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 32.000 người, đào tạo nghề cho trên 33.000 người, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, từ 15% (năm 2005) xuống còn 3,32% (năm 2014). Việc thực hiện các chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, có những lĩnh vực trở thành điểm sáng của cả nước như công tác xuất khẩu lao động. Giai đoạn 2011 - 2014, bình quân mỗi năm lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về tỉnh qua hệ thống các ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng, nhiều gia đình người lao động đã vươn lên có cuộc sống khá giả.

 

 

Đền thờ Liệt sĩ tỉnh đang gấp rút hoàn thiện một số hạng mục, phấn đấu hoàn thành trước ngày 22/12/2015.

 

Cùng với những đóng góp trong công cuộc đổi mới của đất nước và của tỉnh, một nhiệm vụ quan trọng và cũng hết sức gian nan nhưng vô cùng cao cả của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là thực hiện chính sách đối với người và gia đình người có công với cách mạng. Kết thúc chiến tranh, Thái Bình có trên 51.000 liệt sĩ, trên 32.000 thương binh, bệnh binh, gần 2,9 vạn người mang di chứng chất độc hóa học, trên 5.000 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... Từ thực tế đó, nhiệm vụ thực hiện chính sách đối với người và gia đình người có công với cách mạng là hết sức nặng nề, do số lượng đối tượng lớn, việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh phức tạp, nhạy cảm. Song, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, với tấm lòng nhân ái thủy chung đã vượt lên khó khăn, bảo đảm để đối tượng có công với cách mạng được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đến nay, Thái Bình cơ bản giải quyết tồn đọng chính sách người có công qua các thời kỳ; 98,3% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99,6% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” từng bước được xã hội hóa, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào “Làm nhà tình nghĩa, xóa nhà ở dột nát” được các địa phương quan tâm. Trên 10.000 ngôi nhà của gia đình chính sách được tu sửa và xây mới trị giá hàng chục tỷ đồng. Công tác quy tập, đón hài cốt liệt sĩ về địa phương, tu sửa và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ... được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Ngoài việc xây dựng Đền thờ liệt sĩ, các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với các cấp, các ngành và các địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng tượng đài các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (tỉnh Quảng Trị). Phong trào đón nhận thương binh, bệnh binh nặng về điều dưỡng tại gia đình luôn nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Việc thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách vào dịp tết Nguyên đán, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm thường xuyên được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm.

 

Những thành tích đạt được trong chặng đường 70 năm qua là kết quả tất yếu của cả một chặng đường dài phấn đấu, hy sinh của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình phấn đấu bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 33.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp bình quân xuống dưới 2,5%; phấn đấu dạy nghề cho khoảng 173.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề phấn đấu đạt 56,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1% trở lên; 100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% gia đình người có công có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố; các xã, phường, thị trấn đều có công trình ghi công liệt sĩ; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% và tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc phục hồi lên 90%...

 

Những phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình trong giai đoạn 2010 - 2015

  • Huân chương Độc lập hạng Nhất
  • 2 Huân chương Lao động hạng Nhất
  • 4 Huân chương Lao động hạng Ba
  • 9 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
  • 6 Cờ thi đua của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng đơn vị xuất sắc dẫn đầu
  • 87 Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • 52 Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác

 

Nguyễn Tiến Vỳ

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

  • Từ khóa