Thứ 3, 06/08/2024, 13:23[GMT+7]

Chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp

Thứ 2, 07/09/2015 | 08:35:54
1,582 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 đã ghi vào lịch sử một mốc son chói lọi, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. 43 năm đã qua, những ngày hè “đỏ lửa” ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí những người con quê hương Thái Bình đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Ngày 2/7/2015, một số chiến sĩ quê hương Thái Bình chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 về tri ân đồng đội tại Thành Cổ Quảng Trị.

Ngày 1/5/1972, chiến dịch giải phóng Quảng Trị hoàn toàn thắng lợi đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường. Nhưng với bản chất cực kỳ ngoan cố và hiếu chiến, không chịu mất một tỉnh địa đầu tiếp giáp với miền Bắc và bất chấp tiến trình Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã kéo dài 4 năm đang đi vào thời điểm quyết định, nhằm lấy lại tinh thần và gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris, quân đội Mỹ - ngụy đã điên cuồng mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72” tái chiếm Quảng Trị. Với sự hỗ trợ của pháo hạm, máy bay B52, xe tăng, xe bọc thép... với tổng lực lượng gồm 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân, đặc biệt là Mỹ đã tăng gấp 2 lần số máy bay ném bom chiến lược B52 (là sự chi viện hỏa lực lớn nhất của Mỹ trong một chiến dịch, kể cả các chiến dịch mà Mỹ là lực lượng chủ yếu). Vì vậy, thị xã Quảng Trị thời gian này được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày, địch huy động từ 150 - 170 lượt máy bay phản lực, từ 70 - 90 lượt máy bay B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Theo tư liệu tại Bảo tàng Thành Cổ, từ ngày 28/6 - 16/9, với chu vi chưa đầy 2km2, Thành Cổ đã phải hứng chịu 330 nghìn tấn bom đạn, tương đương với 7 quả bom nguyên tử quân đội Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima - Nhật Bản năm 1945.

Để chống lại sự điên cuồng của địch, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các Sư đoàn 308, 304, 312, 320B, 325, 324 cùng một số trung đoàn, tiểu đoàn độc lập, bộ đội địa phương như K8, K3, K10... đã kiên cường bám trụ chiến đấu nhằm giữ vững từng tấc đất của Thành Cổ. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại, cách đánh cũng vượt ra những quy ước thông thường với nhiều tấm gương quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những tấm gương chiến đấu như đồng chí Lê Văn Huỳnh, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, trước khi vào trận chiến đấu mới, biết mình sẽ hy sinh đã gửi thư về gia đình thăm hỏi, động viên gia đình, vợ, người thân. Lá thư thể hiện khí phách của người lính trước quân thù còn đang lưu giữ tại Bảo tàng Thành Cổ. Hình ảnh “Nụ cười chiến thắng” hiên ngang trước bom đạn của đồng chí Lê Xuân Chinh, quê huyện Thái Thụy cũng đang lưu giữ tại Bảo tàng Thành Cổ. Nhiều đồng chí trong chiến đấu đã lập công xuất sắc, được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, quân đội. Đồng chí Giang Văn Thành, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, quê xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Sau 81 ngày đêm “rung chuyển đất Quảng Trị”, đêm ngày 15, rạng ngày 16/9/1972, quân ta rút về phía Bắc sông Thạch Hãn. Trong trận chiến đấu này, trên 10 nghìn chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh, hàng vạn đồng chí bị thương, trong đó có hơn 1 nghìn người con thân yêu của Thái Bình. Xương máu của các anh đã hòa vào đất Thành Cổ, dưới dòng sông Thạch Hãn. Hơn 3 nghìn người con Thái Bình được trở về nhưng cũng mang nhiều thương tích và bệnh tật, nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, trong trận chiến đấu này, quân ta đã tiêu diệt 26 nghìn tên địch, phá hủy 349 xe quân sự, 230 khẩu pháo, 205 máy bay bị bắn rơi. Điều quan trọng hơn là, cùng với 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội đã buộc Mỹ - ngụy phải ký kết Hiệp định Paris về ngừng bắn tại Việt Nam, là cơ sở để tiến tới Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Rời chiến trường Quảng Trị, nhiều người tiếp tục cuộc hành trình của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhiều đồng chí trở thành các tướng lĩnh trong quân đội, nhiều đồng chí đi học, chuyển ngành. Những đồng chí bị thương, bệnh tật được đưa ra an dưỡng rồi về phục viên... Qua tổng hợp đã có hơn 3 nghìn đồng chí đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 đang sinh sống và làm việc tại tỉnh nhà thì 76% là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước. Với bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, nhiều đồng chí đã phấn đấu vươn lên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành và cơ sở, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh những nhiệm vụ cao cả, đầy trách nhiệm trong công tác, trong sản xuất, kinh doanh, những người lính Thành Cổ năm xưa luôn đoàn kết, gắn bó, tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa, từ việc tri ân các anh hùng liệt sĩ đến việc giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cung cấp thông tin và tham gia tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tổ chức nhiều chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Đặc biệt, tháng 7/2015, Ban vận động thành lập Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình đã tổ chức cho 185 cựu chiến binh, người lính Thành Cổ năm xưa vào Thành Cổ với chủ đề: “Đưa quê hương vào cho đồng đội” với tâm nguyện không đưa được các liệt sĩ về quê hương thì đưa quê hương vào với các liệt sĩ. Đoàn đã mang theo đất ở vườn nhà của liệt sĩ, gạo quê hương, muối mặn Tiền Hải, Thái Thụy, nước sông Trà Lý vào Thành Cổ thắp hương tưởng niệm và thả các vật phẩm trên vào dòng sông Thạch Hãn, cầu mong các liệt sĩ nhận được hơi ấm của quê hương và mang cây xanh từ quê nhà vào trồng lưu niệm tại Thành Cổ để có bóng mát che chở cho các liệt sĩ khi nắng nóng, mưa giông.

Những việc làm tình nghĩa của những người lính Thành Cổ đã tô thắm thêm truyền thống nhân ái, thủy chung, đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Để có thêm nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa và cũng thể theo nguyện vọng của những người cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu tại Thành Cổ, Ban vận động thành lập Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình được thành lập, đã tập hợp được hơn 1.400 đồng chí là chiến sĩ Thành Cổ ở tất cả các huyện, thành phố tham gia. Mục đích của Hội nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên về tư tưởng, chính trị, giữ vững và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động tình nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên và giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Ban vận động đã đề nghị và được UBND tỉnh quyết định cho phép thành lập Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình (theo Quyết định số 1196/QĐ-UBND ngày 9/6/2015) với tinh thần “Trọn nghĩa núi sông, thắm tình đồng đội” và đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình sẽ phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đỗ Trọng Khoa
(Trưởng Ban vận động thành lập Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa