Thứ 7, 18/05/2024, 22:16[GMT+7]

Mỹ Lộc (Thái Thụy) Niềm vui nhân đôi 

Thứ 4, 29/12/2010 | 08:17:43
2,157 lượt xem
Một niềm vui lớn đến với người dân Mỹ Lộc: ngày 21/10/2007, Bộ Công thương có Quyết định 1274 chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm điện lực Thái Bình.

Quê hương Mỹ Lộc đang đổi thay từng ngày

Đây là dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào tỉnh ta, được xây dựng trên 254 ha tại xã Mỹ Lộc ( Thái Thụy) với tổng công suất thiết kế đạt 1.800MW, gần tương đương với công suất Nhà máy thủy điện Hoà Bình. Tổng kinh phí thực hiện dự án ước đạt con số kỷ lục 2,1 tỷ USD, tương đương khoảng 40.000 tỷ VNĐ.

Mỹ Lộc trước đây là một trong những xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Thái Thụy.

Xã có 7 thôn, 570,96 ha đất nông nghiệp. Từ bao đời, người dân quanh năm chỉ biết cấy lúa trồng màu, CN-TTCN, thương mại dịch vụ không phát triển, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Thế rồi một niềm vui lớn đến với người dân Mỹ Lộc: ngày 21/10/2007, Bộ Công thương có Quyết định 1274 chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm điện lực Thái Bình.

Đây là dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào tỉnh ta, được xây dựng trên 254 ha tại xã Mỹ Lộc ( Thái Thụy) với tổng công  suất thiết kế đạt 1.800MW, gần tương đương với công suất Nhà máy thủy điện Hoà Bình. Tổng kinh phí thực hiện dự án ước đạt con số kỷ lục 2,1 tỷ USD, tương đương khoảng 40.000 tỷ VNĐ.

100% người dân xã Mỹ Lộc đã đồng tình ủng hộ, nhận tiền đền bù giao 255,233 ha, bằng 44,7% diện tích đất nông nghiệp của xã để thực hiện dự án. Với tính chất đặc biệt quan trọng của dự án, ngày 4/3/2009 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 402 phê duyệt Đề án tổng thể giải quyết việc làm, ổn định  và nâng cao đời sống  của nhân dân xã Mỹ Lộc và các xã lân cận khi thu hồi đất xây dựng Trung tâm Điện lực với cơ chế hỗ trợ đặc thù.

Gần 2 năm đã qua, tỉnh, huyện Thái Thụy, Đảng bộ-chính quyền xã Mỹ Lộc đã tập trung cao độ, nỗ lực lớn cho công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư, từng bước thực hiện đề án an sinh. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuyên cho biết: trước đây khi chưa có dự án xây dựng Trung tâm điện lực, cơ sở hạ tầng  nông thôn hầu như không có gì.

Xã có 4 trục đường giao thông nối liền với bên ngoài, chiều dài khoảng 10km nhưng mới rải đá được 3,5 km, còn lại là đường đất. Đường trong thôn 21 km chỉ có 5,7km được cứng hoá, còn 15,3km đường đất. Trạm y tế xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng.

Trường Tiểu học và THCS dùng chung cơ sở vật chất, vừa chật hẹp, vừa thiếu phòng học. Xã chưa có trường Mầm non, các cháu phải học nhờ hội trường nhà văn hoá các thôn. Hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất mới cứng hoá được 1km. Công trình duy nhất sau nhiều năm địa phương cố gắng nỗ lực lớn lắm mới đầu tư xây dựng được là trụ sở làm việc UBND xã. 

Nhưng giờ đây mọi sự đã đổi khác, chưa đầy 2 năm tính từ khi có dự án, bộ mặt nông thôn  Mỹ Lộc đã thực sự “ thay da đổi thịt”.  Đến nay, xã đã được hỗ trợ hoàn thiện xây dựng hội trường UBND xã khang trang đồng bộ,  cứng hoá 8,8 km đường giao thông thôn xóm, xây dựng chợ Mới, xây dựng tuyến đường nối từ chợ Mới đến Chợ Gạch (Thái Tân), cứng hoá nhiều tuyến kênh mương phục vụ sản xuất, nâng cấp đường điện hạ áp và đầu tư thêm 2 trạm biến áp... với tổng vốn 19,9 tỷ đồng...

Địa phương cũng đã hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới; quy hoạch  hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, vùng sản xuất hàng hoá, chăn nuôi tập trung. Hiện tại, trường Mầm non và tuyến đường nối từ nghĩa trang liệt sỹ Thái Xuyên ra Mỹ Lộc đang gấp rút thi công.

Nhiều dự án quan trọng như: cầu trung tâm xã, tuyến đường từ trung tâm xã đến đê Trà Lý ( Thái Đô), nhà máy nước sạch, trường THCS, nâng cấp hệ thống điện hạ áp giai đoạn II... dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2011.

Anh Tuyên chia sẻ thêm những chi tiết rất thú vị: sau khi nhận tiền đền bù hỗ trợ của Nhà nước, bà con dành một chút ít đầu tư xây dựng sửa sang nhà cửa, đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, ô tô vận tải hành khách, hàng hoá; mở các cửa hàng kinh doanh dịch vụ còn khoảng 70% gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Dù mất phần lớn diện tích đất hai lúa nhưng Mỹ Lộc vẫn còn quỹ đất màu, đất vườn rất lớn. Hầu hết các hộ gia đình vẫn tận dụng để đầu tư cho sản xuất. Vụ đông năm 2010, toàn xã trồng được hơn 400 mẫu: ngô, khoai tây, đậu tương, khoai lang, ớt, dưa hấu, bí xanh, rau màu các loại.

Thậm chí, nhiều hộ dân còn mượn thêm đất của một số xã lân cận đầu tư sản xuất, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, một số người chuyển sang làm các nghề TTCN như: mây tre đan, móc sợi, đan làn nhựa bước đầu cho thu nhập từ 400 đến 600 ngàn đồng/người/tháng. Tôi tìm đến nhà anh Điệp- bí thư chi bộ thôn Đoàn Kết khi trời đã quá trưa nhưng trong nhà 4 phụ nữ vẫn miệt mài làm việc.

Chị Nguyễn Thị Diên ( vợ anh Điệp) cho biết: “ Sau khi nhượng đất hai lúa, tôi đến một cơ sở sản xuất TTCN học nghề đan làn, lấy nguyên liệu về dạy chị em quanh xóm cùng làm. Đến nay được 1 tháng có 10 người cùng làm, bước đầu do chưa quen việc mỗi ngày chỉ được mấy nghìn đồng  nhưng sau này khi tay nghề vững thu nhập chắc sẽ khá hơn”

Dự án xây dựng Trung tâm điện lực Thái Bình thực sự đã làm chuyển biến tích cực đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng quê nghèo Mỹ Lộc. Năm 2011, chắc chắn người dân địa phương sẽ đón một cái Tết vui nhất từ trước tới nay. Còn vui hơn khi một, hai năm tới, các công trình thuộc dự án an sinh hoàn thiện.

Lúc đó, không chỉ dân giàu mà Mỹ Lộc sẽ bứt phá trở thành xã có cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất nhì tỉnh. Đặc biệt, khi nhà máy nhiệt điện được khởi công, ước tính khoảng từ 4.000 đến 5.000 người đổ về đây thi công, xây lắp, lúc đó các dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm phát triển mạnh.

Không bỏ lỡ cơ hội, thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân chuyển nghề sang làm các ngành nghề TTCN, dịch vụ thương mại,  giám sát các nhà thầu thực hiện cam kết sử dụng lao động phổ thông của địa phương tạo thêm việc làm và thu nhập, giúp người dân đổi đời ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày