Thứ 3, 23/07/2024, 12:14[GMT+7]

15 ngày tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thứ 5, 17/09/2015 | 09:04:16
7,415 lượt xem
"Vốn quen “mê tín”... tuyến trên, ấy vậy mà 15 ngày khoác áo bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác".

Bác sĩ Trần Hà, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Trịnh Cường.

 

Cũng như những người từng bất đắc dĩ phải khoác áo bệnh nhân, tôi rất dị ứng với cụm từ “nằm viện”. Thật không may, ngày 17/7/2015, tôi phải vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua phòng khám, vừa nghe bác sĩ nói “Khoa Ung bướu” tôi đã thấy run, vì nhiều lý do lắm. Thứ nhất, cách đây 6 năm, cũng căn bệnh này, Thái Bình phải giới thiệu tôi lên Bệnh viện K Hà Nội phẫu thuật. Nay tái phát, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận điều trị. Nhập viện rồi nhưng không mấy tin khả năng chuyên môn ở đây, thế là... run. Thứ hai, nghe người ta thêu dệt về “nạn phong bì” đang hoành hành khiến một bệnh nhân khù khờ như tôi càng thêm phần “bất an”...

 

Vốn quen “mê tín”... tuyến trên, ấy vậy mà 15 ngày khoác áo bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

 

Ngay hôm đầu, không phải chờ đợi là mấy, nhân viên Khoa Ung bướu hướng dẫn tôi mọi thủ tục cần thiết như đo huyết áp, điện tâm đồ, chụp X quang, siêu âm màu... Đã nhập Khoa Ung bướu, chẳng bệnh nhân nào tránh được công đoạn đụng dao, đụng kéo. Trước ngày mổ, tôi được Trưởng khoa Trần Hà ân cần động viên, bác sĩ Hải khích lệ bằng câu nói hết sức tự tin: “Bác cứ yên tâm, chúng tôi làm còn “đẹp” hơn cả Bệnh viện K cơ”... Những cử chỉ trên của các lương y rõ ràng có giá trị như một liều thuốc tinh thần khiến tôi hết sức yên lòng trước khi lên bàn mổ.

 

Hơn một tuần hậu phẫu, tôi nhận được sự chăm sóc rất chu đáo của các điều dưỡng viên trong  Khoa: chị Xim, chị Hạnh. Hàng ngày, ngoài trực tiếp điều trị, các chị còn tìm hiểu khẩu phần từng trường hợp để mang cơm cháo đến tận nơi cho bệnh nhân. Việc làm này được xem là độc đáo, ít thấy ở những bệnh viện mà tôi từng qua. Có một việc rất riêng, xin được bộc bạch: Sau khi mổ, ngày 28/7, tôi đề nghị đi khám chuyên khoa da liễu. Thật bất ngờ, chị Hạnh đã thân chinh dẫn tôi đến thang máy và đưa tới tận phòng khám. Xong xuôi, khi phát thuốc, chị còn chỉ vẽ cách dùng hết sức tỉ mỉ. Cũng xin tiết lộ một chuyện kín đáo: Ngày 31/7, cầm giấy ra viện, tôi đến chào chị Hạnh trước khi ra về. Theo lẽ thường của người từng chịu ơn, tôi thành thật nói với Hạnh: “Bác có chút quà nhỏ, mong cháu vui lòng nhận cho...”. Hạnh cảm ơn và một mực từ chối mặc dù tôi đã khẩn khoản giải thích. Trước đây, nhiều người bảo: “Nhập viện, đến chỗ nào cũng phải kè kè phong bì để lót tay”. Qua 15 ngày điều trị, tôi cam đoan không mảy may thấy hiện tượng này tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh!

 

 

Ca phẫu thuật tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đức Anh

 

Thêm một tín hiệu vui ngoài lĩnh vực thuốc thang, mổ xẻ: 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hàng tuần, tôi và các bệnh nhân còn được hưởng những bữa ăn từ thiện ăm ắp tình người của Đại đức Thích Thanh Hùng và tập thể cán bộ, bác sĩ Khoa Ung bướu. Tôi và các bệnh nhân dễ dàng gặp nhau ở một khẳng định: Từ trình độ chuyên môn đến phạm trù y đức, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quả đã có một bước tiến ngoạn mục.

 

Là người quê lúa nên nếp nghĩ cứ thẳng như ruột ngựa: “Bà con Thái Bình mình còn nghèo, nếu buộc phải lên tuyến trên chữa  bệnh chắc ai cũng lo thót tim”. Hạnh phúc thay khi giờ đây, mối lo cố hữu này đã không còn chỗ đứng trong tôi. Bệnh viện Đa khoa tỉnh chắc chắn sẽ là một cơ sở y tế lý tưởng của gần hai triệu dân quê lúa. Tin như vậy, bởi qua 15 ngày điều trị, tôi đã tận mắt chứng kiến những dấu hiệu tốt đẹp từ Khoa Ung bướu.

 

Hoàng Ngọc Khuyến

(Diêm Điền, Thái Thụy)

  • Từ khóa