Thứ 6, 02/05/2025, 11:32[GMT+7]

Dưỡng lão tự nguyện - mô hình mới ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội

Thứ 2, 21/09/2015 | 09:27:35
13,022 lượt xem
Ngày 26/5/2015, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1625/UBND-VX về việc thực hiện thí điểm tiếp nhận đối tượng dưỡng lão tự nguyện tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Đây là mô hình mới nên việc triển khai được Trung tâm chú trọng, bước đầu thu được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho đối tượng dưỡng lão tự nguyện.

Hiện nay, nhiều gia đình bận công việc hoặc đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc tốt cho bố mẹ nên cần một địa chỉ tin cậy để gửi gắm việc chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ mình. Nắm bắt thực trạng đó, tỉnh có chủ trương thực hiện thí điểm mô hình dưỡng lão tự nguyện tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội trong 2 năm, tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng 15 người, kinh phí đóng góp 2.420.000 đồng/người/tháng. Sau gần 4 tháng triển khai, đến nay Trung tâm đã tiếp nhận 4 đối tượng, đa số đều sức khỏe yếu, mang nhiều bệnh, vì vậy việc chăm sóc được cán bộ, nhân viên Trung tâm rất quan tâm. Chế độ ăn hàng ngày của các đối tượng được bảo đảm, thời gian sinh hoạt phù hợp, ngoài ra còn được chăm sóc sức khỏe, xoa bóp bấm huyệt, được tham gia các hoạt động ngoài trời và sinh hoạt tập thể, được ở trong những căn phòng khép kín, thoáng mát. Khuôn viên nhiều cây xanh là nơi lý tưởng để người cao tuổi thư giãn, dạo mát, ngắm cảnh.

Có mặt tại khu dưỡng lão dành cho các cụ vào đầu buổi sáng, chúng tôi thấy được những nét mặt vui tươi xen lẫn những cuộc trò chuyện vui vẻ. Cụ Phạm Thị Diên, quê xã Thụy Bình (Thái Thụy), năm nay 75 tuổi, một trong những người đầu tiên vào Trung tâm theo hình thức dưỡng lão tự nguyện tâm sự: Chồng tôi là liệt sĩ, tôi lại không có con, những lúc ốm đau đều phải nhờ đến các cháu trong gia đình, nhiều khi thấy cũng phiền. Khi biết tin Trung tâm có mô hình dưỡng lão tự nguyện tôi đã đăng ký. Bản thân tôi lúc mới vào rất yếu, đi lại khó khăn, nay được cán bộ Trung tâm chăm sóc chu đáo nên sức khỏe đã được cải thiện nhiều. Tôi rất yên tâm với cuộc sống ở đây.

Khác với cụ Diên, cụ Phạm Thị Loan ở phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình có chồng nhưng đã mất cách đây hơn 20 năm, cụ có 1 người con trai và 1 người con gái công tác ở tỉnh ngoài. Cụ Loan chia sẻ: Rất nhiều lần các con tôi động viên đến ở cùng nhưng tôi muốn sống tại quê hương. Tuy vậy, nhiều lúc ở nhà một mình cũng thấy buồn, không biết nói chuyện cùng ai, vì vậy tôi vào Trung tâm sống để có bầu bạn tuổi già.

Rất nhiều tâm sự từ những người cao tuổi có cùng hoàn cảnh với cụ Diên, cụ Loan. Không phải không có điều kiện nhưng bản thân các cụ luôn cảm thấy buồn khi phải ở nhà một mình, lo lắng lúc ốm đau con cháu phải chăm sóc, ảnh hưởng đến công việc, muốn trò chuyện, tâm sự cùng bạn già lại không thể. Vì vậy, Trung tâm như ngôi nhà thứ hai của các cụ để cuối tuần con cháu đến thăm, ngày lễ, tết các cụ về nhà sum vầy cùng gia đình.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Lễ, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, khó khăn nhất hiện nay của mô hình dưỡng lão tự nguyện là phải làm sao thay đổi được nhận thức của xã hội. Không ít người cho rằng, việc con cái đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là bất hiếu, không nuôi nổi mới đẩy bố mẹ đi... Đây là quan niệm đã lỗi thời bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện chăm sóc bố mẹ già một cách phù hợp; nhiều người cao tuổi phải sống một mình khi con cháu bận công việc, ít có thời gian trò chuyện, chăm sóc. Vào sống trong môi trường tập thể, các cụ có những người bạn già, dễ dàng chia sẻ tâm sự, lại được chăm sóc sức khỏe một cách chuyên nghiệp, sinh hoạt điều độ, đúng giờ...

Dù mới triển khai thực hiện song mô hình dưỡng lão tự nguyện đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người cao tuổi của tỉnh. Mô hình sẽ tạo môi trường sống phù hợp và ý nghĩa cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Phạm Quỳnh - 7 năm trước

Mọi ng có nhu cầu vào dlao tại Trung tâm CTXH và BTXH Thái Bình hãy gọi đến số 1900599962 hoặc số 0974885305 chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết!!!

Đỗ thị thảo - 7 năm trước

Trung tâm này naèm ở đâu.

Đồng Văn Khánh - 7 năm trước

Người viết tin này chưa có nghiệp vụ viết báo, bởi vì bài viết này chẳng ghi địa chỉ trung tâm ở đâu để ai có nhu cầu liên hệ. Đọc xong mà tức cả người.

Trần Thị Hạnh - 7 năm trước

Cho tôi xin số điện thoại của viên

Lê Thị Liễu - 7 năm trước

Làm ơn cho tôi xin số điện thoại liên lạc để tìm hiểu thêm thông tin. Xin cảm ơn!

Vũ phương anh - 7 năm trước

Cho cháu xin thông tin liên lạc và các rhur tục xin nhập viện dưỡng lão thái bình

Nguyễn hĩu dự - 8 năm trước

Xin số điện thoại trại dưỡng lão thái bình

Tải thêm