Thứ 4, 08/05/2024, 19:01[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai (3/10/1945 - 3/10/2015) Ngành Quản lý đất đai Thái Bình vững vàng phát triển

Thứ 4, 30/09/2015 | 10:23:27
918 lượt xem
Cùng với sự phát triển của ngành Quản lý đất đai Việt Nam, ngành Quản lý đất đai Thái Bình đã khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều kết quả, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố Thái Bình.

Phóng viên: Ngành Quản lý đất đai Thái Bình đã có những hoạt động cơ bản nào góp phần vào sự phát triển của địa phương, thưa ông?

Ông Trần Duy Hùng: Ngành Quản lý đất đai Thái Bình từ một đơn vị cấp phòng thuộc UBND tỉnh đến nay đã phát triển lớn mạnh với tổ chức bộ máy cán bộ thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và ngày càng được củng cố kiện toàn. Trong từng thời kỳ, ngành luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thường xuyên chỉnh lý biến động và thống kê hiện trạng diện tích đất đai hàng năm làm cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất và phát triển kinh tế của tỉnh. Thực hiện quy hoạch phân vùng của tỉnh, của huyện, khảo sát, thiết kế, đôn san, cải tạo hàng chục nghìn héc-ta đất hoang hóa đưa vào sản xuất. Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp bảo đảm nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và thu hồi đất sử dụng không hợp pháp. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số thành lập bản đồ địa chính ở các huyện, thành phố. Đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún của ruộng đất, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế. Tham mưu ban hành văn bản về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đất đai ở từng thời kỳ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chủ động phối hợp với các cơ quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai ở các cấp, bảo đảm đơn giản về hồ sơ và rút ngắn tối đa về thời gian giải quyết của từng thủ tục. Thực hiện thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp và đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận thủ tục đất đai.

Công tác đo đạc đất đai góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Phóng viên: Thời gian qua, hoạt động của ngành Quản lý đất đai Thái Bình đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Duy Hùng: Toàn tỉnh có 262 xã, phường, thị trấn được đo đạc, lập bản đồ địa chính bằng công nghệ kỹ thuật số. Hết năm 2014 đã cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Công tác giao đất, cho thuê đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đã giao đất kịp thời để thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất 880 lượt tổ chức, cá nhân, phát hiện 608 tổ chức, cá nhân sử dụng 608,24ha đất không đúng mục đích, chưa sử dụng, sử dụng chậm tiến độ, chưa có quyết định cho thuê đất, giao đất của cơ quan có thẩm quyền, lấn chiếm hoặc để lấn chiếm đất, tự nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng; UBND cấp xã, cấp huyện giao 48,59ha đất sai thẩm quyền và 46 tổ chức nợ gần 9,5 tỷ đồng tiền thuê đất. Sau kiểm tra đã yêu cầu tổ chức, cá nhân khắc phục những tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai theo quy định; xử phạt vi phạm hành chính 197 trường hợp, tổng tiền phạt 2,296 tỷ đồng, tổng tiền tịch thu lợi ích 3,768 tỷ đồng; kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 178,28ha đất của 118 tổ chức. Duy trì nền nếp công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định. Tiếp và hướng dẫn các quy định của pháp luật về đất đai cho 419 lượt với 703 công dân; tiếp nhận 491 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, thụ lý giải quyết 123 đơn, thư thuộc thẩm quyền, đạt 100%.

Giải phóng mặt bằng tại xã An Bồi (Kiến Xương). Ảnh: Minh Nguyệt

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian tới, ngành Quản lý đất đai Thái Bình có những giải pháp gì để ngành ngày càng phát triển vững mạnh?

Ông Trần Duy Hùng: Định hướng đến năm 2020 là xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất cho nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, thời gian tới, ngành Quản lý đất đai Thái Bình tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau: Tham mưu ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền theo quy định để cụ thể hóa chính sách, pháp luật về đất đai phù hợp tình hình thực tế của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về đất đai. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, tạo thuận tiện cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi tiếp cận làm thủ tục. Tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai. Nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ của ngành để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Tập trung thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt. Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện tốt việc tham mưu giải quyết hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận bảo đảm thời gian và trình tự thủ tục theo đúng quy định. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai, tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Mai Thư
(thực hiện)

Ông Lại Thanh Cảnh, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thống kê, Đội phó Đội đo đạc, Sở Tài nguyên và Môi trường

Thời kỳ chúng tôi làm công tác quản lý đất đai gặp rất nhiều khó khăn như: chính sách về đất đai liên tục có sự thay đổi; bộ máy hoạt động chưa hoàn thiện; chất lượng đội ngũ làm công tác này còn thấp; máy móc, trang thiết bị thiếu thốn, thô sơ... Bên cạnh đó, nhận thức về quản lý đất đai của cán bộ và nhân dân còn hạn chế, bị coi nhẹ; công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp hoạt động giữa các ngành chưa chặt chẽ; địa hình xâm canh giữa các địa phương nhiều khiến cho việc đo đạc, phân chia ranh giới gặp khó khăn, gây ra tranh chấp đất đai. Tuy làm việc trong điều kiện khó khăn song đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai chúng tôi luôn nhiệt tình với công việc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chúng tôi luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sạch, góp phần cùng các cấp, các ngành làm tốt công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hà Tuấn Anh, chuyên viên Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường

Để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ mới, bản thân tôi nói riêng và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai nói chung tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gần gũi với nhân dân, không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, đồng thời công tâm, khách quan, tận tình hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa công việc được giao. Nắm vững chuyên môn, không ngừng học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đặc biệt, người làm công tác quản lý đất đai cần yêu nghề, tận tụy với công việc, chủ động, sáng tạo, thực hiện nói đi đôi với làm, thường xuyên tự rèn luyện để có lối sống lành mạnh, gương mẫu chấp hành nội quy, quy định của cơ quan, chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Trần Văn Mừng, Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác quản lý đất đai, nhất là công tác quy hoạch cụm công nghiệp, thị trấn Hưng Nhân đã kêu gọi được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động của địa phương. Mặt khác, hạn chế được việc tranh chấp, khiếu kiện, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để địa phương phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4. Để công tác quản lý đất đai ngày càng đạt hiệu quả cao, vấn đề quan trọng là cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần phải cho họ thấy rõ hiệu quả của công tác quản lý đất đai, từ đó tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Ông Vũ Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Thời gian qua, công tác quản lý, chấn chỉnh việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Tiền Hải có chuyển biến tích cực. Đến nay, huyện đã quy hoạch chuyển mục đích sử dụng 67,5ha đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; cấp 16.300 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn thành Dự án VLAP, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai và bổ sung kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, huyện đã từng bước đầu tư công nghệ lò đốt rác theo mô hình xã, liên xã. 8 lò đốt rác đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; 90% cơ sở sản xuất xây dựng được hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 98% khu dân cư có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bảo đảm phát triển kinh tế luôn đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ngọc Hân - Mạnh Thắng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày