Thứ 3, 23/07/2024, 12:16[GMT+7]

Sáng ngời phẩm chất “Ba đảm đang”

Thứ 2, 12/10/2015 | 09:11:40
1,143 lượt xem
Nửa thế kỷ đã trôi qua, đến nay, những dấu ấn phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy truyền thống “Ba đảm đang”, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, hành động vì cộng đồng.

Đại đội dân quân gái xã Đông Lâm (Tiền Hải) luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Văn Dũng (Bộ CHQS tỉnh)

Từ đảm đang trong thời chiến

Tháng 3/1965, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ "Ba đảm nhiệm", sau đó được Bác Hồ đổi tên thành phong trào "Ba đảm đang" với các nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, thực hành tiết kiệm, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con, anh em đi chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Sau khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã nhanh chóng tổ chức cho cán bộ, hội viên trong toàn tỉnh học tập, đăng ký thi đua thực hiện và chuyển nội dung công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho phụ nữ từ phong trào "5 tốt" sang phong trào "Ba đảm đang". Chỉ sau một thời gian ngắn phát động đã có 270.000 phụ nữ ở khắp các thôn, xóm, trường học, nhà máy, công - nông trường, cơ quan, xí nghiệp hưởng ứng tham gia học tập, đăng ký. Hàng nghìn phụ nữ có chồng, con đang chiến đấu ngoài mặt trận đã làm đơn xin cho chồng, con mình được kéo dài thời gian tại ngũ; được nhập ngũ, tái ngũ lên đường đánh Mỹ. Các chị ở nhà vừa chăm lo gia đình, chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến. Với khí thế cách mạng và tình cảm sâu sắc "Tất cả vì tiền tuyến", "Tất cả để người ra đi phấn khởi, người ở nhà yên tâm", lớp lớp chị em đã hăng hái, dũng cảm "Tay cày, tay súng", "Đường cày đảm đang", "Tiếng hát át tiếng bom"... Hình ảnh chị em đầu đội mũ rơm, vai khoác lá ngụy trang, lưng đeo súng trong sản xuất hay vừa cấy lúa vừa mang súng sẵn sàng chiến đấu chống lại những trận không kích của máy bay Mỹ đã trở thành quen thuộc và "Tay mò từng quả bom xuyên/Tay nâng từng dảnh mộc tuyền cấy theo" là hình ảnh tiêu biểu về phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ Thái Bình.

Phụ nữ xã Lê Lợi (Kiến Xương) với nghề chạm bạc. Ảnh: Ngọc Linh

Nhiều nội dung phong trào đã được phụ nữ Thái Bình hăng hái thực hiện. Trên mặt trận nông nghiệp có phong trào vận động cấy kỹ thuật, từ cấy dày, cấy dày vừa phải đến phong trào cấy chăng dây thẳng hàng, cấy lối mới; phong trào chăm bón lúa theo kỹ thuật mới, phong trào chăn nuôi tập thể và gia đình; phong trào tham gia xây lắp các công trình thủy lợi của Nhà nước và địa phương; phong trào chăm sóc gia đình bộ đội, gia đình liệt sĩ, chăm sóc con em cán bộ miền Nam gửi ra miền Bắc. Nhiều địa phương đã thành lập Hội Mẹ chiến sĩ với hơn 4 vạn bà mẹ tham gia. Các mẹ đã tích cực vận động thanh niên tòng quân, động viên, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, cùng con cháu sản xuất, công tác. Chị em cán bộ, công nhân lao động thì tự lực, tự cường, làm tăng giờ, tăng buổi; chị em các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thương nghiệp, công tác đoàn thể... luôn nêu cao tinh thần tận tụy phục vụ cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ..., góp phần tích cực tham gia công tác quản lý nông thôn, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Nối tiếp truyền thống "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", thi đua với phụ nữ miền Nam, hàng chục nghìn nữ thanh niên miền Bắc - trong đó có phụ nữ Thái Bình đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ trực tiếp cầm súng chiến đấu với tinh thần gan dạ, thông minh, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Hàng chục nghìn nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. Các bà, các mẹ như: Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân (Vũ Thư); Phạm Thị Chắt, thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng); Phạm Thị Nậng, thôn Bương Hạ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ); Trương Thị Tần, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương); Nguyễn Thị Tẹo, thôn Bổng Điền Bắc, xã Tân Lập (Vũ Thư)... là những tấm gương phụ nữ "Ba đảm đang" điển hình trên các mặt công tác, sản xuất, chiến đấu vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì độc lập, tự do của dân tộc, đã thể hiện sức mạnh, khả năng to lớn của nữ giới, đặc biệt trong những thời điểm quan trọng của đất nước, quê hương.

Đến xây dựng hình mẫu người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Tinh thần "Ba đảm đang" khi xưa được lớp lớp thế hệ phụ nữ Thái Bình tiếp nối như một mạch nguồn chưa bao giờ cạn, thể hiện bằng sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu, thực hiện tốt các phong trào thi đua, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang". Điển hình là các phong trào: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"... Hàng năm có hàng trăm nghìn lượt hội viên phụ nữ được tiếp cận thông tin, kiến thức, từng bước nâng cao trình độ mọi mặt. Chị em tích cực tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sử dụng vốn hiệu quả, mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Phụ nữ ở các làng nghề, xã nghề tiếp tục duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, mạnh dạn du nhập nghề mới vào địa phương. Các nữ chủ doanh nghiệp, nữ doanh nhân năng động, đổi mới phương thức kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Nữ cán bộ, công nhân viên chức lao động tích cực thực hiện cuộc vận động "Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu", phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo". Phụ nữ lực lượng vũ trang luôn nêu cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh cách mạng, tích cực rèn luyện, khắc phục khó khăn, ngày đêm tận tụy với công việc, dũng cảm, kiên cường trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng lực lượng vững mạnh... Hàng năm, toàn tỉnh có trên 78% hội viên, phụ nữ đạt danh hiệu "Phụ nữ tiên tiến", trong đó 25% hội viên đạt danh hiệu "Phụ nữ xuất sắc"; trên 60.000 nữ cán bộ, công nhân lao động đạt danh hiệu "Hai giỏi"; trên 73% gia đình đạt "Gia đình 5 không, 3 sạch", tỷ lệ thu hút hội viên tham gia tổ chức hội ngày càng cao...

Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ phụ nữ "Ba đảm đang" thời lửa đạn người còn, người mất nhưng các thế hệ phụ nữ Thái Bình hôm nay vẫn đang bền bỉ tiếp nối mạch nguồn của phong trào "Ba đảm đang" năm xưa, sẵn sàng lao động, sản xuất, chiến đấu trên mọi mặt trận với những tiêu chí mới của thời kỳ phát triển và hội nhập.

Phương Anh

  • Từ khóa